Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

TỪ TRANG SÁCH XƯA




Tôi yêu những trang sách xưa.Những trang sách cũ kỹ qua lớp trầm tích thời gian thủ thỉ với tôi phần nào sự thật.Cái sự thật mà ai đó đã cố tình vùi lấp bằng những lệnh đốt sách, bằng những lời bóp méo xuyên tạc.

Thời đi học,tôi chỉ biết Nguyễn Huệ như một vị thần thánh và phong trào Tây Sơn là bữa tiệc của những chiến công chói sáng.Tôi chỉ thấy hình ảnh của những bô lão kinh thành kính cẩn bày hương án với dòng chữ Hậu Lai Kỳ Tô đón chào vị hoàng đế với áo bào sạm đen khói thuốc súng tiến vào Thăng Long. Tôi cũng chỉ biết trước đó thanh niên Nghệ An nô nức tòng quân hưởng ứng lời hiệu triệu quét sạch Ngô cẩu của vị anh hùng áo vải đến nỗi chỉ trong vài ngày đã trưng tập được một vạn quân.

Chỉ khi lần giở những trang sách xưa,tôi mới biết cái nô nức ấy được thực hiện dưới hiệu lệnh của mũi giáo và chó săn.Tôi mới biết rằng người dân Nghệ an nói riêng và Bắc Hà nói chung vẫn còn hướng cái nhìn hồ nghi về viên tướng bách thắng và vị vua tự phong vừa thoát khỏi sự kềm chế của vua anh bằng một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.Và chính cái sự hồ nghi đó làm cụ La Sơn Nguyễn Thiếp cố tình trì hoãn việc thiên đô về Nghệ An tướng địa.

Tôi cũng biết được lý do tại sao nhà Tây Sơn nhanh chóng đi vào lụn bại chỉ vài năm sau khi hoàng đế Quang Trung băng hà.Tôi biết được rằng Gia Long hoàn toàn không phải mang cái án cõng rắn cắn gà nhà…như có ai đó cố tình gán ghép.Thực tế quan hệ giữa các chúa Nguyễn và triều đình Xiêm nó phức tạp hơn ta tưởng.Về dã tâm của Chất Tri còn là một dấu hỏi,tuy nhiên việc các triều đình phong kiến hỗ trợ nhau chống nội loạn là điều khả dĩ xảy ra,như vụ Phùng Tử Tài kéo quân sang ta diệt giặc Cờ giữa thế kỷ 19. Hoặc các chúa Nguyễn giúp Cao Miên ổn định ngôi vương trước đó.Và lòng dân quyết định hết thảy,mắt dân là mắt trời.Nếu quả thực Nguyễn Ánh rước voi giày mả tổ thì làm sao lòng dân lục tỉnh vẫn hướng về,vẫn bảo bọc vị chúa của họ trong những ngày bôn tẩu mà ngày nay được thần hóa qua chuyện kỳ đà,rái cá cứu chúa.Và nếu không có sự ủng hộ hết mình của dân,liệu Nguyễn Ánh có gầy dựng được một căn cứ vững mạnh từ hai bàn tay không để rồi từ đó làm bàn đạp tấn công ra Bắc thu phục lại giang sơn,làm một cuộc nhất thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước nhà.Trong khi đó cũng chính dân Bắc Hà lại tố giác cho quân Nguyễn bắt sống vua tôi Cảnh Thịnh.Tại sao họ lại làm vậy với một vương triều có công cứu họ ra khỏi sự đô hộ của giặc Thanh,nếu không phải do những chính sách hà khắc của Tây Sơn, như vơ vét tượng Phật để đúc súng,đúc tiền…rồi phép trưng binh từ 15 tuổi tới 60 tuổi làm kiệt sức dân.Để rồi tôi rút thêm một minh chứng xưa như trái đất: Rằng một chính thể mất lòng dân trước sau gì cũng bị loại trừ khỏi vũ đài lịch sử,dù chính thể ấy có lấp lánh bao vầng hào quang của những võ công huyền thoại.

Cũng những trang sách xưa đưa tôi về những ngày đầu chập chững của văn chương quốc ngữ mà trong tôi dấy lên một niềm biết ơn vô hạn đối với những người khởi xướng tạp chí Nam Phong,mà cốt cán vẫn là cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.Từ những câu văn lê thê dây muống của cụ Trương Vĩnh Ký,cụ Nguyễn Trọng Quản,tới Nam Phong tôi mới được tắm mình trong cái ngôn ngữ Việt gần gũi với thế hệ mình.Nhưng cái tinh thần của cụ Thượng Chi mới đáng khâm phục như trong lời mở đầu : “…Cái mục đích của bản báo là muốn gây một nền học mới để thay vào cái nho học cũ,cùng đề xướng lên một cái tư trào mới hợp với thời thế cùng trình độ dân ta.Cái tính cách của sự học vấn mới cùng cái tư trào mới ấy là tổ thuật cái học vấn tư tưởng Thái Tây,nhất là của nước Đại Pháp mà không quên cái quốc túy trong nước…”


Như vậy,con đường khai dân trí,chấn dân khí,hậu dân sinh tự lực tự cường trước hết về mặt văn hóa tư tưởng rồi khoa học kỹ thuật tiến lên giành độc lập đã có thủy tổ từ Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ, được Phan Tây Hồ khuếch dương quang đại rồi qua đến Nguyễn Văn Vĩnh,Phạm Quỳnh đã tập đại thành.

Yêu nước có nhiều cách khác nhau.Cứu nước cũng như cứu hỏa,có kẻ liều mạng xông vào đám cháy kéo được gì thì kéo.Có khi mất mạng.Có người xem xét cái nguyên nhân cháy mà tìm chỗ dập cho đích đáng.Có người lo phòng không cho cháy lan san nhà khác.Không thể thấy người không xông vào lửa mà cho là họ bàng quan thế sự…
Nước mất,không trực tiếp cầm súng ra chiến trường thì cầm bút.Cây bút ấy có thể dệt nên những Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,cũng có thể vì dân trí nước mình mà dựng nên một cuộc Nam Phong.Vấn đề là cái Tâm để xướng xuất và cái Dũng để đi hết con đường mình lựa chọn.

Tôi quý trọng giọt mực của cụ Phạm Thượng Chi cũng ngang bằng,thậm chí có khi còn hơn quả tạc đạn của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái,nếu xét về tầm ảnh hưởng lâu dài cho đất nước,cho dân tộc.

Xem trang sách cũ,càng thẩm đượm cái tình,cái tâm của bao bậc tiền nhân đã dồn bao tinh huyết cho nòi giống nhà,mà tiếc thay,nhiều khi chưa được hậu sinh đánh giá đúng. Nhưng có hề chi,một khi dân tộc này vẫn còn kẻ đọc sách,hàng ngày bên cảo thơm lần giở…Sương mù có bao giờ giăng phủ mãi được đâu?

Tịnh Tâm Đường – Ngày 11/12/2011

Gã Mọt Sách