Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

VÌ MỘT XÃ HỘI VĂN MINH.

Sự xấu hổ

Ba tuần lễ trôi qua kể từ cái ngày 17/7 nặng nề ấy.Bao nhiêu ngôn từ đã bình phẩm về cái bàn chân bỗng dưng đặt ngay mặt người dân yêu nước.Ý kiến của các nhân sĩ,trí thức,các trang mạng “lề trái”,các đài nước ngoài phê phán.Và một vị trong tứ trụ yêu cầu xem clip.Rồi phát biểu trong cuộc họp báo của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh.Kết quả là hai cuộc biểu tình phản đối sự ngang ngược của nhà cầm quyền Trung quốc ngày 24/7 và 7/8 hôm nay đã diễn ra với những ứng xử văn minh từ phía người biểu tình và lực lượng cảnh sát,an ninh.

Một cuộc biểu tình đẹp đến từng xen-ti-mét cho cả hai bên

Còn quá sớm để có thể nói đến một sự thay đổi tận gốc rễ tác phong, hành vi, ứng xử đối với dân của đội ngũ thực thi và bảo vệ pháp luật mà vốn dĩ phải có trong một xã hội văn minh.Nhưng dù sao những tín hiệu này cũng cho thấy có một sự thay đổi về nhận thức.
Thứ nhất là nhận thức được bản chất của 09 cuộc biểu tình vừa qua.Thực sự đó chỉ là hành vi biểu thị lòng yêu nước.Đơn thuần là lòng yêu nước, đồng cảm trước những đau thương, mất mát của đồng bào ngư dân, và phản ứng lại những đòi hỏi quá đáng của Trung quốc về chủ quyền biển đảo của Việt nam, cái chủ quyền mà bao thế hệ cha ông ta,và mới đây là gần 150 người con Việt đã dũng cảm ngã xuống trong cuộc chiến không cân sức để giành lại.Không có thế lực phản động nào giật dây, kích động, vì lòng yêu nước không cần đến sự kích động.

Đẹp biết bao.

Thứ hai là nhận thức được cái thái độ cần phải có của một nhân viên công lực trong một xã hội hiện đại (chưa dám nói là văn minh).Hành vi đạp vào mặt người trong tự thế bị túm chân túm cẳng như vậy chỉ có thể có trong thời nô lệ hay phong kiến, khi mà phẩm giá con người không hơn một phút buồn vui ngẫu hứng của các đấng ông chủ.Bác Hồ dạy “…đối với kẻ địch phải cương quyết,khôn khéo” .Với kẻ địch mà còn phải khôn khéo khi cương quyết trấn áp, huống hồ gì đối xử với người dân, mà lại một người dân hiền lành chỉ muốn biểu thị lòng yêu nước.Bao nhiêu cặp mắt từ năm châu bốn biển nhìn vào hình ảnh ấy, họ sẽ nghĩ gì về xã hội Việt nam, đất nước con người Việt nam?
Thứ ba là nhận thức về việc biểu thị lòng yêu nước của người dân. Chắc chắn rằng vị thế của Việt nam trên trường quốc tế sẽ không giảm đi vì những cuộc biểu tình tuần hành diễn ra trong sự ôn hòa,văn minh lịch sự từ phía người biểu tình cũng như lực lượng cảnh sát như thế, nếu không nói là được nâng cao hơn.Bạn bè vị nể ta, kẻ thù cũng phải e dè ta, vì đằng sau chính phủ ấy, đội quân ấy là cả một khối đoàn kết của cả một dân tộc đang sục sôi vì sự toàn vẹn của Tổ quốc.

Duyên dáng Việt Nam

Mặt khác, về phía người biểu tình, cũng nên tiếp tục phát huy cái tinh thần ấy, cách ứng xử ấy, không để một số xung động tình cảm quá khích chen vào làm mất đi sự ôn hòa.Mục đích chính kiến rõ ràng, tuần hành trong trật tự, không cản trở giao thông không cần thiết, tất yếu sẽ lấy được thiện cảm của lực lượng cảnh sát, mà đa phần họ ( lòng yêu nước chưa hẳn đã kém) cũng chỉ vì công vụ mà phải làm.Có vậy thì những cuộc biểu tình tuần hành mới thực sự thành công hoàn hảo theo nghĩa win – win.
Đó cũng là một phương thức để xã hội dần đi đến sự văn minh, hiện đại.

BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC



Kính thưa QH,

Với kỳ hợp thứ Nhất của Quốc hội khoá XIII này, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng hy hữu trong lịch sử QH. Một vị Phó Thủ tướng thường trực trình bày bản Báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp lại trở thành Chủ tịch QH chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình. Lần đầu tiên có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và hơn thế nữa chúng ta cũng chứng kiến nhiều thành viên của Chính phủ lại “hoá thân” vào QH .

Tôi muốn nhìn nhận khía cạnh tích cực của hiện tượng này. Là người tham gia hoạt động rất lâu năm trong Chính phủ, ở vào những vị trí then chốt nhất của CP, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” của CP, Chủ tịch QH biết được tất cả những chỗ mạnh, chỗ yếu của CP, từng chiụ trách nhiệm về hoạt động của CP sẽ thực thi trách nhiệm cùng QH giám sát CP sẽ chặt chẽ hơn. Giám sát hiểu theo nghĩa là sẽ phát hiện được những yếu kém để điều chỉnh những hoạt động hành pháp của CP, cũng như với vai trò lập pháp sẽ tạo những hành lang pháp lý chuẩn xác góp phần cho CP thực thi hiệu quả trách nhiệm hành pháp của mình… Đó là hy vọng của tôi và nhiều cử tri.
Tôi cũng mong muốn báo cáo của CP bên cạnh những đánh giá chủ yếu về kinh tế, một lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là những đánh giá về các vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không chỉ là các chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập, giàu nghèo, tệ nạn, tai nạn v.v… mà còn về lòng tin của dân.

Nếu đánh giá về kinh tế có thể biểu thị được bằng con số định lượng (như GDP, chỉ tiêu, sản lương…) thì cũng nên đánh giá chỉ tiêu về lòng tin của dân đối với CP. Những phương pháp điều tra, thống kế hiện đại có thể làm được điều này. Thế giới họ làm nhiều rồi. Một nhà nước của dân,vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Tôi thấy có đại biểu lấy hiện tượng ở Bắc Phi để đánh giá, theo tôi không thể so sánh vì chúng ta đã có một truyền thống xây dựng được sự đồng thuận trên dưới, giữa nhân dân và chính phủ và phải biết gìn giữ nó như gìn giữ con mắt của mình. Tôi xin đưa ra một thí dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập tới một vấn đề hệ trọng chưa được CP quan tâm đúng mức xét theo khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân.

Đó là vấn đề Biển Đông. Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia là một vấn đề đang nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe doạ, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo của CP tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của CP, nhưng rõ ràng là chưa thể hiện đúng tầm mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của CP đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của QH đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt…

Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đai biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng và không có thảo luận. Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng : Trừ một vài nội dung chi tiết , còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm, nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn , trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.

Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết.

Tôi cũng muốn nêu thêm về một ví dụ mà ngay trong buổi báo cáo ngày hôm qua cũng không đề cập tới. Đó là văn bản của Thủ tướng Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Vấn đề đó, chúng ta hoàn toàn có đủ lập luận để phản bác những ý đồ xuyên tạc. Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến bàn hội nghị mà không quan tâm giải thích cho dân biết. Tài liệu ấy họ đã phát tán thành giấy gói hàng, đưa lên mạng vậy mà không có cơ quan nào chính thưc lên tiếng phản bác, giải thích cho dân (mới đây mới được tờ báo của Mặt trận Tổ quốc đề cập tới).

Là người làm nghề sử, tôi muốn nhắc lại một sự kiện cách đây đã 65 năm. Đầu năm 1946, khi cần phải đối phó với một tình huống “ngàn cân treo trên sợi tóc” liên quan đến vận mệnh của Tổ Quốc, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo một cách sáng suốt là ký Hiệp định Sơ Bộ 6-3.

Thấy nước cờ ấy dân chưa hiểu, thắc mắc, hoang mang… Chính quyền cách mạng tổ chức cả một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia trên Quảng trường Nhà Hát Lớn (hình ảnh vẫn còn để ta thấy dân quan tâm đến việc nước như thế nào, có cả dân quê, có cả anh phu xe, công chức hay thợ thuyền, trí thức…).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giải thích cả mấy tiếng đồng hồ, rồi vị Chủ tich nước đứng trước quốc dân nói lên rằng : “Đồng bào hãy tin tưởng ở Nhà nước, Hồ Chí Minh không khi nào bán nước”.

Học tập Bác Hồ nên nhớ cách ứng xử với dân của Bác khi vận nước khó khăn. Cho dù thời đại có nhiều thay đổi, mọi so sánh có thể là khập khiễng thì cái nguyên lý “dân biết” thì “dân mới làm” và dân có điều kiện “kiểm tra” CP là chuyện của muôn đời.

Tại sao phải là đại biểu QH với một phiên hop kín mới được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao. Tôi tin chắc là dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không thì là việc là thứ yếu.

Thưa QH,

Hướng ra Biển Đông nhưng cũng phải luôn quan tâm đến đất liền, trong đó có nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta muốn giữ được chủ quyền chính trị thì cũng phải giữ được chủ quyền kinh tế. Tại kỳ họp cuối cùng của khoá trước, tôi đã đặt câu hỏi chất vấn CP rằng nền kinh tế của ta bên cạnh việc khai thác có hiệu quả những nguồn lực nước ngòai thông qua việc phát triển những mối quan hệ hơp tác, nhưng có lành mạnh không, có bị lệ thuộc không ?

Biết bao nhiêu vấn đề đã được nêu lên ngay trong QH với những định lượng rất đáng lo lắng về những khả năng bị lệ thuộc đặc biệt là với Trung Quốc cần phải được quan tâm để điều chỉnh, vì chưa thấy những dấu hiệu tích cực. Nếu vấn đề có vẻ tế nhị này nhưng phải trên nguyên tắc “tiên trách kỷ hậu trách nhân” còn thiên hạ thì bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích, (lợi ích kinh tế, kể cả lợi ích chính trị) bằng mọi giá. Tại sao nông dân trồng vải đến vụ thu hoạch mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng cửa im ỉm (như một phóng sự truyền hình phản ảnh), trong khi thương lái nước ngoài tung hoành và thực sự lại trở thành cứu cánh cho dân.

Đấy mới là quả vải nhỏ bé còn chỉ cần nhìn vào nhiều công trình thắng thầu, dòng chẩy của hàng hoá mà tình trạng nhập siêu là tiêu biểu nhất ,đủ thấy nhiều thông điệp đáng lo ngại khác. Nhìn ngoài thị trường tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu kể cả những mặt hàng nông sản, thực phẩm mà tại Việt Nam thừa khả năng sản xuất cũng nhan nhản ngoài thị trường là hàng Trung Quốc.

Cuối cùng, tôi đề cập tới một nội dung mà đại diện Đoàn Đồng Nai và Đại biểu Lâm Đồng đã đề cập nhưng chưa đủ thời gian, hơn nữa đó lại là chương trình vận động bầu cử của tôi với bà con cử tri sống ven con đường Quốc lộ 20 trước nguy cơ nhãn tiền là việc vận chuyển bô xít liên quan đến một dự án mà QH đã thông qua mà CP cũng cam kết chỉ khai thác bô xit nếu có hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn môi trường. QH có trách nhiệm giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là mới quan tâm đến việc khai tuyển mà chưa quan tâm đến tác động của việc vận chuyển.

Về việc này, vị đại diện TKV vừa phát biểu. Tôi lấy làm lạ là học sinh đã kém sử mà chúng ta lại kém toán hay sao mà không nhận ra lộ trình đến 15 tháng 8 này phương án mới chuyển Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét mà cuối năm xe chở bô xít đã phải lăn bánh rồi. Các chiến sĩ Công an Đồng Nai (?) chúng tôi chỉ đặt một câu hỏi : Liệu xe trọng tải 40 tấn có được cho phép đi trên cầu 25 tấn không? Đây không phải là bài toán kinh tế mà là bài toán kỷ cương, bài toán pháp luật . Là cơ quan lâp pháp và giám sát thực thi pháp luật, để xẩy ra tình trang nan giải này, có trách nhiệm của cả QH.

Hy vọng với môt QH khoá mới, có CTQH mới QH sẽ khắc phục một cách căn bản những tình huống tương tự làm giảm lòng tin của người dân vào QH và CP.

Nguồn: Tầm nhìn.net