Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

SỬ HỌC & HỌC SỬ

VĂN CẦM HẢI


Nhà thơ Văn Cầm Hải (giữa), Tây Tạng.

Nhân đọc bài Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ trên báo Tuổi Trẻ, tôi không bất ngờ về thực trạng có trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay.[1] Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần.

Nhớ lại thời kỳ học sinh, dù là người yêu thích các môn học khoa học xã hội, nhưng tôi cũng ngán học môn sử bởi cách thức học và dạy thô cứng. Sử học, như muôn đời qui luật hấp dẫn của nó là luôn chứa đựng sự bí ẩn để nó không ngừng được khám phá và đồng hành cùng thời đại. Tuy nhiên, môn sử mà tôi học dường như chẳng có gì mới, chẳng có gì gọi khám phá vì tất cả đều có sẵn một công thức: ta thắng địch thua. Trong lớp học không có sự phản biện, nhất loạt đều nói và nghe một chiều nhàm chán. Phản biện ư? Không khéo lại bị quy chụp là phản động hoặc bôi nhọ dân tộc, nghi ngờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Có lần, tôi hỏi một thầy giáo dạy sử, tại sao ta luôn thắng mà cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ phải kéo dài đến mấy mươi năm máu lửa? Sao các lãnh tụ của ta, cũng là người như bao nhiêu lãnh tụ có sai có đúng trên thế giới, nhưng luôn luôn sáng suốt, không bao giờ mắc sai lầm? Không lẽ, lãnh đạo của ta là các bậc thánh? Chúng ta học sử để thấu hiểu những thăng trầm của dân tộc, lĩnh hội những kinh nghiệm bao hàm cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại. Thầy nghiêm giọng bảo tôi đừng lặp lại câu hỏi đó, nếu không cả thầy lẫn trò đều có nguy cơ rời trường ra đường! Học sử, dạy sử mà sợ sự thật lịch sử đến như vậy, thử hỏi làm sao học sinh và giáo viên có được niềm đam mê đích thực với một trong những môn học quan trọng nhất của nhân loại.

Khác với cách dạy và học sử ở Việt Nam, tôi bất ngờ về cách thức giảng dạy lịch sử rất linh hoạt và hấp dẫn ở Mỹ. Có lần tôi thấy cậu con trai mới học lớp 5 say sưa trên máy tính mãi đến khuya quên cả ngủ. Hỏi ra mới biết là cu cậu đang “nghiên cứu” chiến tranh lạnh và hậu quả của nó! Tôi choáng người khi đọc những câu hỏi về các sự kiện và nhận định cơ bản, quan điểm khác biệt chủ yếu giữa các nước cộng sản và không cộng sản. Con tôi giải thích đó là một dự án nghiên cứu-bài tập cô giáo đặt ra cho học sinh. Tôi bảo con có hiểu gì đâu mà cô giáo bảo nghiên cứu. Cậu con trai tôi liền cho tôi một bài học: Sao cái gì ba cũng bắt phải hiểu mà không hỏi có thích thú hay không, nếu không thích làm sao hiểu được! Chương trình lớp 5, lịch sử được xếp vào bộ môn khoa học xã hội là một một trong các môn học cả lớp thích nhất vì cả lớp được xem phim tài liệu, hình ảnh và các bạn thuyết trình từng chủ đề rất sôi động. Đặc biệt cô giáo rất khuyến khích bạn nào đưa ra những câu hỏi hay ý tưởng mới, đi ngược lại với những điều trên phim hay trong sách đã viết. Tôi có dự thính một lớp học về chiến tranh Việt Nam của ông giáo sư từng là cựu binh Mỹ ở Playcu năm 1971 và rất lấy làm hứng khởi bởi cách dạy và học sinh động như là một cuộc du ngoạn vào quá khứ hơn đang ngồi bó cứng trong giảng đường chứa đến hàng trăm sinh viên trong và ngoài khoa sử dự học. Tất cả các bài giảng đều có trích đoạn những thước phim tài liệu, phim truyện, âm nhạc phản chiến minh họa cực kỳ sinh động. Một tiết học hơn một tiếng rưỡi nhưng giáo sư chỉ giảng bài chừng 20 đến 30 phút, phần còn lại là xem sử liệu minh họa và tranh luận, thuyết trình theo nhóm về các chủ đề. Nội dung giáo trình do giáo sư tự biên soạn rất phong phú, không bị ràng buộc theo công thức“ta thắng địch thua” nên những cái được cái mất của chính phủ Mỹ, sự thất bại cay đắng của quân đội Mỹ, tinh thần chiến đấu của người lính cộng sản ví như bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong cuốn nhật ký chiến trường của cô hay Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh đều được khảo xét kỹ càng.

Sử học và học sử ở Mỹ, không chỉ đắm chìm vào quá khứ mà còn nghiên cứu những vấn đề sử học đương đại, cập nhật với đời sống đang diễn ra trên thế giới. Trong khi cuộc chiến Iraq hay Afghanistan đang diễn ra nóng bỏng thì ở Mỹ, không ít công trình nghiên cứu liên quan đến những trận chiến này đã xuất hiện kịp thời, giúp cho việc giảng dạy và học sử về chiến tranh hiện đại trong nhà trường có được cái nhìn cận cảnh và nóng hổi của thời đại. Sử học, có thể không phải là một trong những chuyên ngành lựa chọn hàng đầu của sinh viên nhưng thực sự nó không phải là môn học buồn tẻ ở các cấp học nhờ vào phương pháp truyền thụ và lĩnh hội sinh động như vậy.

Nhìn lại bối cảnh dạy và học sử ở Việt Nam, lòng dân không quên nhưng các sự kiện lịch sử đương đại quan trọng của đất nước lại bị lờ đi. Tại sao trận hải chiến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, hải chiến Trường Sa 1988 với những tài liệu và nhân chứng sống là điều kiện thuận lợi giúp các nhà nghiên cứu một cách công phu và chân thực. vắng bóng trong các chương trình giảng dạy? Khi lịch sử được dựng lên bởi sự không minh bạch sẽ để lại những di họa khôn lường. Giả dối và bóp méo lịch sử không chỉ làm cho một dân tộc bị khủng khoảng niềm tin mà còn gây ra lòng căm thù, không có sự cảm thông giữa các dân tộc mỗi khi sự giả dối bị bóc trần. Lâu nay chúng ta thường cho rằng thái độ thù ghét của người dân các nước Đông Âu đối với Liên Xô và chế độ cộng sản từng được ngợi ca trên chính quê hương của họ là quá thái, thậm chí bị xem là “bắn đại bác vào quá khứ”. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết rằng chỉ ngay sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, hồng quân Liên Xô tái hiện hình ảnh tàn bạo của kẻ thù mà họ vừa đánh bại - đơn cử, tại Đông Đức từ 1945-1947, ngoài việc người dân bị chiếm đoạt tài sản, hồng quân Liên Xô đã hãm hiếp khoảng 2 triệu phụ nữ [2]-chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết một trong những lý do tại sao Liên Xô sụo đổ, tại sao người cộng sản bị thù ghét ở Đông Âu đến như vậy.

Lịch sử của đất nước, dù có đau thương hay tủi nhục biết bao cũng cần phải học, huống hồ một đất nước có truyền thống lịch sử đáng tự hào như Việt nam. Nhưng tại sao, môn sử trở nên một môn học miễn cưỡng? Đành rằng giữa Mỹ và Việt Nam có nhiều điều khác biệt, nhưng chúng ta không thể vin vào nhiều lý do, chẳng hạn như khác biệt về cấu trúc chính trị xã hội để giải thích cho sự khác biệt về mặt truyền bá kiến thức. Lịch sử hay bất kỳ ngành khoa học nào cũng hướng đến một chân lý tối thượng: khám phá và phản ánh sự thật.

Nghiên cứu sử học là một con đường tìm thấy tương lai từ quá khứ! Đã đến lúc, sử học cũng cần có một chính sách “cởi trói” như văn học dưới thời tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Nếu không chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy một tương lai tươi sáng từ quá khứ giàu có nhưng bị dạy, học và lãnh đạo rất nghèo nàn.

26.7.2011.VCH

[1] Minh Giảng, “Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ,” http://tuoitre.vn/Tuyensinh/Tuyen-sinh/448241/Diem-thi-mon-su-thap-khong-ngo.htm.

[2] John Lewis Gaddis, the Cold War: A New History (Penguin Book, 2005), 24.

Nguồn:nhathonguyentrongtao.wordpress.com

HÀNG NGÀN ĐIỂM 0.


Ông Bộ Trưởng Giáo dục & Đào tạo trả lời báo chí:

“Ông nghĩ gì khi kỳ thi ĐH vừa rồi cũng giống như nhiều năm trước, môn sử có hàng ngàn điểm 0?


+ Tôi nghĩ bình thường. Vì thi ĐH là cuộc thi tuyển nên đề thi có sự phân loại rõ ra người giỏi, người khá, người yếu kém để tuyển chọn.

. Thưa Bộ trưởng, dư luận xã hội đặt câu hỏi phải chăng có vấn đề trong giáo dục môn học này?

+ Cần phải bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Bây giờ hô hào các cháu phải học ngoại ngữ, học tin học… thì có những môn như lịch sử và cả văn học bị xem nhẹ hơn chút cũng đừng coi là thảm họa. Mình cần điều chỉnh nhưng đừng quy kết là chú trọng đẩy cái này để sao nhãng cái kia.
Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước trên thế giới này, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng này. Vì tiếng nói của khoa học lịch sử trong cuộc sống hiện đại hôm nay ít, cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử ít. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động”.

Ông Bộ trưởng trả lời như một người ngoài cuộc bàng quan nhất.Theo cách nghĩ của ông,thế tất cả những nước tiên tiến hiện nay như Na Uy,Thụy Điển,Mỹ,Singapore,Nhật bản… đều có chất lượng giáo dục môn sử tệ hại như thế.Vì rõ ràng rằng,ở những đất nước này,nhu cầu cũng như khả năng kiếm việc làm trong những lĩnh vực kỹ thuật cao rất lớn.Do vậy họ không cần biết họ là ai,đất nước họ là thế nào…Và họ cũng không thể giới thiệu ra thế giới những thành quả văn hóa mà dân tộc họ,đất nước họ sở hữu…Nhưng đừng quên rằng chính nhờ niềm tự hào dân tộc qua từng trang sử đất nước đã thôi thúc dân Nhật tái thiết đất nước từ đống hoang tàn đổ nát sau Đệ Nhị thế chiến,để 15 năm sau họ đã trở lại vai trò một cường quốc trên lĩnh vực kinh tế.

Lịch sử là một trong những môn học làm người.Và đó là trách nhiệm của hệ thống giáo dục.Không ai làm thay vai trò chủ đạo của ngành giáo dục trong lĩnh vực này được.Các môn Tin học, Ngoại ngữ cũng rất quan trọng,nhưng không thể quan trọng hơn lịch sử.Anh không biết anh là ai,đất nước anh là thế nào thì đừng yêu cầu chúng tôi phải tôn trọng anh.Nếu một nền giáo dục không chú trọng Văn,Sử,Giáo dục công dân thì đó là một nền giáo dục vong bản.

Đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử là một đòi hỏi tất yếu.Và hơn ai hết,là Bộ Trưởng Giáo dục,ông Phạm Vũ Luận phải là tư lệnh của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung,và phương pháp giảng dạy nói riêng.Làm sao cho học sinh tự suy luận và rút ra những bài học lịch sử (dù ở dạng ngây thơ hồn nhiên nhất) là cách đưa môn sử trở lại với học đường.Thu được bao nhiêu súng trong một trận đánh không quan trọng bằng trận đánh ấy có ý nghĩa gì.

“Nghề sử là ngụ ngôn chứ không phải tri thức chính xác. Nếu cần biết ông này đẻ ngày nào, trận đánh này tiêu diệt bao nhiêu quân địch… chỉ cần mở máy tính là ra. Cái quan trọng là ý nghĩa sâu xa của mỗi sự kiện lịch sử. Có hai thuộc tính quan trọng của lịch sử là sự trung thực và sự công bằng. Chúng ta có thực sự công bằng trong giáo dục lịch sử không? Nếu thực sự có sự trung thực, công bằng thì lịch sử sẽ hấp dẫn hơn, học sinh học sử sẽ thích hơn. Nếu chỉ nói mãi những điều các em chưa tin thì các em chỉ là khổ sai khi nhớ.
Nước Mỹ học sử thảo luận là chính. Học sinh phải tìm xem trong sự kiện thầy dạy có ý nghĩa gì, tích cực, tiêu cực ra sao… Từ đó các em có phương pháp tư duy. Ta cần xem lại quan niệm về học sử. Đương nhiên đừng có sự đảo lộn quá lớn, cái gì cũng phải có lộ trình”
.(Dương Trung Quốc – Nhà sử học)

Nếu giờ này ông Luận còn nói phải bàn,có nghĩa rằng ông chưa được chuẩn bị để làm bộ trưởng.

5 ĐỨA TRẺ VÀ MỘT BẦY THIẾU GIA.

Thủy Phù. Năm 1994, bọn mình, khi ấy là sinh viên Y5 Đại học Y Huế, về thực tập môn Y học xã hội (điều tra về cái gì thú thực giờ cũng không nhớ, hồi đi học chúa ghét mấy môn này). Một buổi trưa ngồi trong quán café nhìn ra, phía trước là con sông nhỏ, vài ba cái ghe của dân nốt. Một bà đang ngồi khâu vá,bên cạnh là đứa bé khoảng 1 tuổi bò lổm ngổm dưới cái nóng gay gắt miền Trung.Bỗng cả đám sinh viên hét lên vào nháo nhào chạy xuống bờ sông chỉ trỏ. Đứa nhỏ rơi đánh tõm xuống nước, lóp ngóp.Tụi sinh viên xanh mắt mèo trong khi bà mẹ thản nhiên thò tay xuống tóm cổ nó lên, vỗ vỗ cho mấy cái coi như không có gì xảy ra…Sau này chuyện đó mình vẫn thường kể lại cho cả nhà nghe như hoài niệm về một thời xa lắm của một miền quê nghèo…


Đám tang 5 đứa trẻ nghèo Thủy Phù

Vậy mà trưa nay…Báo Pháp luật thành phố đưa tin:

“Trời Huế ngày 29-7 buồn, âm u đến lạ. Con đường đất đỏ vào thôn 8B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) đâu đâu cũng nghe tiếng than khóc…
Câu chuyện tang thương của thôn 8B bắt đầu từ chiều 28-7, khi cả làng nghe tiếng khóc ngất trời từ gia đình anh Nguyễn Văn Minh (39 tuổi). Anh Minh khóc vì phát hiện ba đứa con ruột của mình và hai đứa nhỏ hàng xóm chết đuối trong hồ ao mà anh mới đào được ba ngày.
Trước đó, khoảng 15 giờ, vợ chồng anh Minh đi làm ruộng nên dặn ba đứa con anh là Nguyễn Thị Cẩm Vân (11 tuổi) cùng hai em là Nguyễn Thị Phương Nga (tám tuổi), Nguyễn Văn Thăng (năm tuổi) ở nhà chơi ngoan. Nhà hết gạo, vợ anh Minh dặn dò bé Vân qua nhà hàng xóm mượn gạo về nấu cơm.
“Con bé lớn nghe lời mẹ qua nhà anh Nguyễn Văn Tuyến mượn ba lon gạo rồi rủ hai đứa con gái nhỏ của anh Tuyến sang nhà mình. Mượn được gạo nhưng nhà không có nước nấu nên tụi nhỏ mới ra ngoài ao chơi. Rồi sau đó cả năm đứa cùng bị trượt chân ngã” - người thân của ba chị em nhà Cẩm Vân kể lại.
Đến 19 giờ, vợ chồng anh Minh về vẫn không thấy con, tưởng con đi chơi xa, anh chị đi tìm. Tìm hoài không thấy con, anh Minh chỉ nhìn thấy hai đôi dép và chiếc hình mặt người bằng đất dang dở còn trên bờ ao. Nghi có chuyện không lành, anh Minh lao xuống ao thì thấy các con mình đã nằm co cụm dưới đáy hồ. Mỗi bàn tay đều co quắp lại, người ta bảo là do tay bám víu lấy bàn tay…”


Năm đứa trẻ, ít nhất trong đó có ba đứa chưa được ăn cơm tối, nồi cơm từ ba lon gạo đi mượn.
Thời mình đi thực tập, Hương Thủy còn là huyện,một huyện nghèo đói của tỉnh Thừa Thiên Huế.Lẽ nào 17 năm rồi, là thị xã rồi,bao nhiêu là tăng trưởng GDP, bao nhiêu là thành – công - đột - phá - đáng - khích - lệ,bao nhiêu bước - được - tiến - lên,bao nhiêu cái - được - đẩy - mạnh qua bao nhiêu kỳ đại hội các cấp,mà vẫn còn những đứa - trẻ - chết - chưa - được - ăn - cơm – đi - mượn hay sao?
Trong khi đó thì:


Những cuộc ăn chơi trác táng của các thiếu gia

“Trở lại cái đận đua xe bất thành ấy, công tử phố núi và công tử Sài thành trở nên hằm hè nhau trong mọi chuyện. Vào vũ trường, công tử phố núi gọi chai rượu giá dăm triệu, thì công tử Sài thành bĩu môi, gọi chai đắt hơn để lau giày. Chạm nhau ở quán bar ăn khuya trên đường Nguyễn Trãi, vừa nhác thấy bóng công tử Sài thành, công tử phố núi lập tức bao hết các bàn trống để công tử sài thành vào thế đi thì mất mặt, đi vào thì chỉ biết.. cãi nhau với nhân viên.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là chuyện công tử Sài thành chỉ mặt công tử phố núi quát lên: “Mày giỏi thì mang vàng ra chọi sóng với tao”. Cái chuyện mang vàng ra chọi sóng trước đây, dân chơi tại thành phố lâu lâu cũng làm một lần. Nhưng, những lần ấy so với hai công tử chỉ là lặt vặt.

Đúng hẹn, công tử Sài thành và công tử phố núi gặp nhau ở khu bờ sông Thanh Đa. Phía sau hai công tử toàn là các chiến hữu, phía công tử Sài thành áp đảo hơn bởi các tiểu đại gia liên tục hò hét khiêu khích. Phía công tử phố núi chỉ có mỗi công tử và cô người mẫu trầm ngâm soạn tin nhắn điện thoại, có vẻ như không quan tâm đến màn “đấu vàng” của hai công tử. Từng khoen vàng được trọng tài định giá trị tương đương nhau rời tay của hai công tử lặn mất tăm dưới dòng nước đục ngàu của con sông Sài Gòn chảy vào địa phận bán đảo Thanh Đa.

Tới khoen vàng thứ... vài chục, công tử phố núi phủi tay, nhìn công tử Sài thành không nói gì. Tưởng “cái thằng ở rừng” đã nhát tay, công tử Sài thành chưa kịp lên lớp thì đột nhiên, công tử phố núi rút từ túi quần ra cái đi động Vertu, giá trên 20 nghìn USD nhẹ nhàng ném xuống dòng sông rồi cười lớn bỏ lên xe hơi với người đẹp đi thẳng. Công tử sài thành đứng ngẩn ngơ vì cử chỉ đó. Trên bờ, đám “tiểu đại gia” hò hét khi đinh ninh rằng công tử Sài thành đã thắng cuộc. Chỉ mình công tử Sài thành hiểu rằng “cái thằng ở rừng” ấy không đơn giản như mình tưởng.

Sau lần đó, mối “thâm thù” giữa hai công tử không còn sâu đậm như trước nữa. Dẫu cái chuyện, “mày vào vũ trường gọi 5 chai rượu, thì tao gọi 10 chai” vẫn thường xuyên xảy ra. Khi đẳng cấp của mình được khẳng định bởi con mộc của trò “mang vàng chọi sóng” đóng dấu, công tử phố núi cũng bớt những trò “lặt vặt” đó. Niềm đam mê của công tử phố núi giờ là người mẫu, đã có lần, cô người mẫu đi cùng với công tử phải bẽn lẽn bởi câu tuyên bố xanh rờn của công tử phố núi: “Người mẫu nổi tiếng của cái thành phố này tao đã xài sạch”…


Báo cáo của Chính phủ nói rằng bình quân thu nhập đầu người chúng ta năm 2010 đã là 1160 USD.Thật to tát,thật vĩ đại.Nhưng cũng có ai đó nói rằng,như bình quân hai người ăn một con gà,thiếu gia xơi hết thịt,5 đứa trẻ này chưa chắc đã được mút xương…Mong ước của Bác Hồ:"...ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..." sao xa tít mù khơi.

Bill Gates có bao giờ chọi vàng chưa ta?

Đồng tiền không do mồ hôi nước mắt làm ra là đồng tiền nhẹ nhất.
Chẳng lẽ sau mấy mươi năm phấn đấu xây dựng xã hội công bằng,chúng ta đã đang cài lộn số de?