Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

ĐỒNG THUẬN HAY HÒA THUẬN.

Chúng ta thường nghe cấp trên kêu gọi, chỉ thị: Phải tạo ra sự đồng thuận cao, đồng thuận trong nội bộ sẽ là điều kiện tiên quyết, then chốt cho mọi sự thành công.Thực ra có phải điều này lúc nào cũng luôn luôn đúng? Tại sao có lúc, có nơi mọi nghị quyết đều được thông qua, mọi chủ trương đều được quán triệt với sự đồng thuận cao,tỉ lệ phần trăm nhất trí cao nghi ngút, mà khi thi hành lại dở ẹc ? Lại ào ạt cãi, tới tấp vả, cứ như rằng mấy người đó không giơ tay thông qua chủ trương đó không bằng.

Tra từ điển, đồng có nghĩa là cùng,là giống như. Chí hướng giống nhau là đồng chí, cùng chung một thầy là đồng môn. Thuận có nghĩa là vui lòng theo, hoặc là không trái, không ngược. Vậy tạo sự đồng thuận là làm cho giống nhau để không trái, không ngược.

Thế nhưng sự việc nó đâu đơn giản như thế. Hai người có thể đồng, chứ 3 người trở lên thì…Huống hồ là một cơ quan, một cộng đồng, một xã hội. Cái sự đồng thuận ở Bắc Triều tiên luôn tiềm ẩn một nguy cơ bất ổn xã hội. Với một xã hội như Hợp chúng quốc Hoa kỳ thì không biết phải làm thế nào để có một sự đồng thuận.

Ở ta, nghị quyết đưa ra, có cấp trên về dự, ai không giơ tay nhất trí, coi chừng có vấn đề. Ai cũng sợ hãi mà giơ tay. Đó là cách làm cho giống nhau để không trái với ý định của cấp trên. Tất nhiên còn có nhiều cách khác tinh vi hơn, nhưng tựu trung cũng đi đến kết quả đó.

Thế còn hòa thuận. Hòa có nghĩa là êm ái, không sinh sự. Hòa hợp là thỏa thuận và đồng ý với nhau. Hòa giải là dàn xếp êm ái các bên. Vậy hòa thuận là vui long theo, không làm trái trên cơ sở êm ái, không sinh sự. Mọi lợi ích, quyền và nghĩa vụ của từng nhóm đều được tôn trọng qua sự thỏa hiệp.

Hòa cần có sự thương lượng, thỏa thuận. Đồng chỉ cần một phát súng lệnh từ trên đưa xuống. Đồng chỉ phù hợp trong tổ chức quân đội. Hòa chính là điều cần trong một xã hội dân sự. Ví như một dàn nhạc giao hưởng, có bộ dây, bộ gõ, bộ hơi. Làm sao để dàn nhạc tấu một bản giao hưởng hay, không chỉ đồng nhất một tiếng kèn hay tiếng trống, mà phải hòa âm phối khí. Lúc ấy mà đồng âm thì sao ta? Không ai muốn cho trên trần gian này chỉ còn có một loài hoa, cho dù loài hoa đó được mọi người công nhận là đẹp nhất, thơm nhất, khả ái nhất. Có nhiều loài hoa vẫn hơn, càng có nhiều thì vẻ đẹp trên đời càng phong phú, miễn là người ta bỏ được tính ích kỷ «chỉ muốn cho loài hoa mình thích hay mình đang trồng tồn tại mà thôi».

Vậy cái ta tìm đến là sự hòa thuận, một sự thỏa thuận,trong đó mọi phần tử trong cộng đồng đều thấy hình ảnh, nguyện vọng của mình trong mỗi quyết sách. Tuy khó,nhưng vương bá đôi đường khác nhau. Cụ Khổng đã dạy:Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa. Phải vậy không?

HỆ SỐ ENGEL HAY RỔ CPI.


Giá thịt cá rau dưa đều tăng ầm ầm hơn 30 -40% hà cớ gì CPI chỉ tăng có 1.17%.

Nguồn ảnh:bee.net.vn

Tổng cục thống kê,trong công bố ngày 23/7/2011 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 tăng cao hơn 1.17% so với tháng 6 kéo theo mức lạm phát 7 tháng đầu năm lên tới 14.6%

Tiêu dùng - trong quan niệm của số đông người lao động, với mức thu nhập hiện nay, cũng mới chỉ đủ loanh quanh cho nhu cầu ăn - ở. Vì thế mức tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) họ cũng có thể tự đo và thống kê được bằng số tiền tăng thêm hàng tháng cho tiền điện; mua xăng đi làm và khỏan tiền đi chợ trong tổng thu nhập của gia đình hàng tháng; hàng quý.

Thực tế, chi phí cho nhu cầu lương thực, thực phẩm hằng ngày của đại bộ phận dân chúng hiện nay mới là mối quan tâm hàng đầu của họ.Còn cái đồ uống,thuốc lá,giải trí,thiết bị gia đình (tivi,tủ lạnh,máy điều hòa… ) cũng không nằm trong mối quan tâm của họ trong thời điểm hiện nay.Vậy mà rổ CPI do Tổng cục đang áp dụng hiện nay như sau:

Các nhóm hàng & dịch vụ - Quyền số %
Tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng: 100.00
I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống: 39.93
1.Lương thực: 8.18
2.Thực phẩm: 24.35

3.Ăn uống ngoài gia đình: 7.40

II. Đồ uống và thuốc lá: 4.03

III. May mặc, mũ nón, giày dép: 7.28

IV. Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: 10.01
V. Thiết bị và đồ dùng gia đình: 8.65
VI. Thuốc và dịch vụ y tế: 5.61
VII. Giao thông: 8.87
VIII. Bưu chính viễn thông: 2.73
IX. Giáo dục: 5.72
X. Văn hoá, giải trí và du lịch: 3.83
XI. Hàng hoá và dịch vụ khác: 3.34

Nên chi cái cân thịt,con cá,kí gạo lên giá gấp rưỡi gấp đôi là họ méo mặt,biết đâu cái giá máy điều hòa,tủ lạnh đang giảm kìa.Vậy có tức cười quá không khi Tổng cục thống kê đang cố gắng giúp Chính phủ kéo giảm không cho tăng cái con CPI đang lồng vào trong bao tử người dân khi đưa cái quyền số lương thực thực phẩm chỉ còn 32.53% trong rổ CPI?

Nhớ đến cái hệ số Engel (ông này cũng là người Đức,là nhà xã hội học chứ không phải ông Engel bạn của Marx đâu nha).Hệ số này là tỷ lệ phần trăm chi phí mà một gia đình dành cho lương thực thực phẩm trên tổng chi tiêu của họ.Thông thường,hệ số Engel của cư dân một khu vực hay một quốc gia bình quân vượt quá 60% thị họ được tính là cư dân nghèo,từ 50% - 59% là no đủ,từ 40 % - 49% là khá giả,từ 30% - 39% là tương đối giàu,từ 20% - 29% là giàu có và dưới 20% là rất giàu.

Theo tài liệu thống kê năm 2006, ở Châu Á quốc gia có hệ số Engel thấp nhất là Singapore chiếm 23%. Singapore được biết như là một quốc gia giàu có vì GDP bình quân đầu người xếp vị trí số một của Châu Á.

Vị trí thứ hai là Hàn Quốc chiếm 22.7%. Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ chi phí dành cho ăn uống thấp, mặt khác nước này còn có tỷ lệ chi phí dành cho giáo dục cao nhất thế giới.

Trung Quốc sau khi tổ chức thế vận hội olympic Bắc Kinh thì hệ số chiếm 43%, giảm trên 10% so với 10 năm trước nên có thể thấy mức thu nhập đang được nâng cao.

Hệ số Engel của Nhật Bản đứng vị trí thứ ba ở Châu Á chiếm 23.2%. 10 năm trước đây Nhật Bản đứng vị trí đầu ở Châu Á nhưng giờ đã bị Singapore và Hàn Quốc qua mặt.
Quốc gia có hệ số Engel thấp nhất thế giới là Mỹ chiếm 14.9%. Các nước Châu Âu có rất nhiều quốc gia còn thấp hơn Nhật Bản.
Gần đây Việt Nam sắp hạ xuống mức 50%

Sắp hạ,có thể là chưa hạ.Với thời bão giá này,không chừng còn tăng hơn 60%.Vậy thì lý gì Tổng cục thống kê lại cho lương thực thực phẩm chỉ có tiếng nói trong chưa đầy 33%.

Với hơn 70% dân số là nông dân,cộng thêm thành thị có công nhân,sinh viên,lao động chân tay,buôn bán nhỏ,dứt khoát họ không đồng ý với cái 33% đó.Nó chỉ là thứ thuốc giảm đau gây ngủ mà thôi.

Vậy CPI hay là Engel đây?

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN VÀ ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC.

NOBUHIRO HOTTA (Chủ tịch tập đoàn JP - Cloud)

Xin chào các bạn.

Có lẽ chỉ bản thân các bạn mới hiểu rõ được việc nào là của bản thân mình. Và chỉ các bạn mới có thể tự đánh giá bản thân mình như thế nào một cách khách quan và bình tĩnh.

Hai nhà tâm lý học của Mỹ là Josef và Harry đã phát hiện ra " 4 cửa sổ tâm lý ". Vì vậy, mọi người đã lấy tên của hai nhà tâm lý đó và gọi là " cửa sổ Johari ".

Tâm lý và hành động của con người được phân chia thành bốn cửa số mà người khác có thể nhìn thấy mình và bản thân có thể nhìn thấy mình.

Cửa sổ thứ nhất được gọi là " cửa sổ công khai " bao gồm những thông tin về bản thân được công khai mà cả mình và người khác đều có thể nhìn thấy.

Cửa sổ thứ hai được gọi là " cửa sổ điểm mù " bao gồm những điều mà người khác hoàn toàn có thể nhìn thấy mình, nhưng chính bản thân mình lại không thể nhìn thấy hay nhận ra được.

Cửa sổ thứ ba được gọi là " cửa sổ bí mật " bao gồm những điều mà chỉ có riêng bản thân mình mới biết, mình cố gắng che đậy không muốn cho người khác thấy.

Cửa sổ thứ tư được gọi là " cửa sổ chưa biết " bao gồm những điều mà chính bản thân mình và người khác chưa biết đến và cũng chưa có ai khám phá ra những tiềm năng đó.

Con người nếu có thể tiếp xúc với "cửa sổ công khai " mà cả bản thân mình và người khác đều biết đến thì sẽ thể hiện được chính mình và mối quan hệ giữa người với người cũng sẽ trở lên tốt đẹp hơn. Cửa sổ này càng được mở lớn thì sẽ tốt hơn so với 3 cửa sổ khác.

Các bạn nghĩ hiện tại cửa sổ nào đang lớn?

Những điều người khác đánh giá bạn chưa hẳn là chính xác. Ví dụ ở công ty, trường hợp cấp trên đánh giá cấp dưới cũng giống như vậy. Nếu có việc bị nhìn nhầm thì cũng có việc sẽ bị bỏ qua.

Chúng ta gần như không có khả năng đánh giá chính xác về năng lực của người khác, hay hạn chế bởi sự tồn tại của bản thân mà người khác không thể nhìn thấy. Có lẽ chỉ có thần thánh ở trên trời luôn nhìn xuống chúng ta mới có thể hiểu được.

Nếu có người đánh mất tinh thần làm việc và than thở rằng mình đã bị đánh giá thấp thì có lẽ là do bản thân có một phần đang che đậy chứ không phải là cấp trên không có mắt nhìn.

Hãy thể hiện những gì bản thân mình đang có. Và hãy tin tưởng vào chính mình, không cần để ý đến sự đánh giá của người khác, nếu mình cố gắng nổ lực hết khả năng của mình thì nhất định sẽ được người khác đánh giá.

Tôi luôn tự nhủ với chính mình như thế.
 Cảm ơn.

June 14, 2011

Nguồn:hottaword.vn