Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

ỦA, SAO KỲ VẬY TA?

Việt nam là nước thứ hai ký vào công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em.Rất đáng tự hào!

Việt nam có một Ủy ban của Quốc hội chuyên giám sát việc thi hành các điều khoản pháp quy về bảo vệ quyền trẻ em.Rất đáng hãnh diện!

Việt nam, trước đây, có một Bộ, chuyên thực thi các quy định về quyền trẻ em.Rất đáng hoan nghênh!

Việt nam, từ trung ương xuống địa phương, có các tổ chức,các hội, đoàn, tóm lại là cả một hệ thống chính trị sẵn sàng nhảy vào bảo vệ trẻ em khi chúng nó bị xâm hại.Rất đáng khâm phục!

Vậy mà:

Có một công nghệ “chăn dắt” trẻ đi ăn xin, lê la bao phố phường hàng quán, nếu không xin đủ sẽ bị đánh đập dã man, bị nhịn đói mà địa phương không hề hay.

Có một đứa trẻ bị hành hạ suốt mười mấy năm trời, mà không một tổ chức nào biết,cho đến khi một bà buôn heo biết, ra tay giúp đỡ.

Có một trường Mẫu giáo Thiên Thơ có cách dỗ trẻ độc đáo bằng băng keo dán miệng dẫn đến đứa trẻ chết ngạt, mà trách nhiệm Sở đổ cho Bộ, Bộ đẩy cho Sở.

Có những đứa trẻ Tiểu học hàng ngày gò lưng cõng gần 5 ký sách vở đến trường, mà mới đây Bộ Giáo dục mới tiến hành cân cái cặp, để Bộ biết những điều mà ai cũng biết, trừ Bộ.

Có những đứa trẻ tiểu học,thà bí đái để bị sỏi thận,còn hơn bước vào nhà vệ sinh quá ể của nhà trường,mà các trường đó năm nào cũng được kiểm tra chấm điểm,có khi được là trường điểm.

Có cán bộ chi cục thuế mẫn cán, đánh thuế cả vào tiền ăn của các cháu mẫu giáo tới 7.4%, và thành thật cho rằng điều đó đúng với quy định của Tổng cục Thuế.

Sao kỳ vậy ta!Huy tôi đem chuyện đó hỏi Bác Ba Phi, bác ấy cười khà khà, biểu tôi đi hỏi bác Ba Phi gái.

Mà Bác Ba Phi gái đang bận đi nhận mấy đứa trẻ ăn xin đem về nuôi.

Nên đến giờ này, Huy tôi vẫn chưa biết.

Nên giờ này, Huy tôi vẫn còn hỏi: “Ủa,sao kỳ vậy ta?”

(Bài này viết đã lâu,nhân dịp kỷ niệm 1 ngày ngày thành lập blog nên tương lên cho xôm)

HÃY VÉO CHO TÔI MỘT CÁI THẬT ĐAU VÀO.

Thật đấy, bạn à. Tôi đang mơ hay là tỉnh đây.Véo tôi đi. Vậy mới là bạn bốn tốt mười sáu chữ vàng...

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ PHI LÝ.

Tháng 5-2009, Trung Quốc gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và kèm theo một tấm bản đồ có vẽ 9 đoạn đứt khúc (còn gọi là "đường chữ U” hay "đường lưỡi bò”) thể hiện yêu sách bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế thừa nhận "vùng biển lịch sử” của họ được bao chiếm bởi "đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ đó đến nay mặc dù Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ được cơ sở pháp lý của các đòi hỏi này nhưng hành động của họ thì lại ngày càng gia tăng gây hấn, xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của nhiều quốc gia trong khu vực làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng.
Tàu Viking 2 của Việt Nam
Công hàm ngày 7-5-2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về yêu sách "đường lưỡi bò” và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ "đường lưỡi bò” với toàn thế giới. Trước đó, mặc dù "đường lưỡi bò” đã được thể hiện nhiều lần trong một số bản đồ lưu hành trong nước, nhưng Chính phủ của họ chưa bao giờ có một tuyên bố chính thức nào trước cộng đồng quốc tế. Thậm chí trong những văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước Trung Quốc về các vùng biển như các Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1992, về Đường cơ sở năm 1996, và về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998... "đường lưỡi bò” cũng không hề được nhắc tới. Theo các học giả Trung Quốc, "đường lưỡi bò” lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Cộng hòa Trung Hoa xuất bản năm 1948. Một số người cố đẩy thời gian xuất hiện của "đường lưỡi bò” xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng "đường lưỡi bò” do một người tên Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947 một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân để thể hiện cảm xúc của mình khi nghe tin Pháp chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa năm 1933. Tuy nhiên họ cũng thừa nhận: "Không rõ khi vẽ đường này Bai Meichu có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?”. "Đường lưỡi bò” khởi thủy có 11 đoạn vẽ bao gồm các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa chiếm hầu hết Biển Đông. Tuy nhiên, đến năm 1953, đường 11 đoạn được điều chỉnh lại thành 9 đoạn như ngày nay, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ. Đáng lưu ý là đến nay không có bất kỳ tài liệu nào cho biết tọa độ cũng như vị trí chính xác của "đường lưỡi bò”. Rõ ràng nguồn gốc và ý nghĩa của "đường lưỡi bò” hoàn toàn mập mờ, không chính xác đến nỗi bản thân các học giả Trung Quốc cũng không thống nhất được một sự giải thích hợp lý nào. Thậm chí, có học giả Trung Quốc còn cho rằng "không có cơ sở nào trong luật quốc tế cho yêu sách lịch sử đó” (Yann Huei Song). Gần đây, trên các trang mạng của Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều ý kiến của chính người Trung Quốc thắc mắc về việc "tại sao lại vẽ Nam Hải của chúng ta tới tận cửa nhà người ta?”.
Bản đồ đường yêu sách 9 đoạn (đường lưỡi bò) Trung Quốc
gửi kèm công hàm lên Liên hợp quốc năm 2009
phản đối báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa
của Việt Nam và Malaysia

Biên giới và chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng, hệ trọng từ rất lâu trong lịch sử của mọi dân tộc. Các cơ sở pháp lý quốc tế đều coi trọng việc bảo vệ đường biên giới ổn định của các quốc gia. Do vậy, đường biên giới là một trong số các thể chế ổn định nhất từ tất cả các thể chế. Vậy mà trong vấn đề "đường lưỡi bò” ngay đến cả người Trung Quốc, tác giả của đường yêu sách này, còn chưa biết nó được xác định cụ thể như thế nào thì làm sao có thể gọi đó là biên giới quốc gia được.

Theo TS Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội), với Công hàm ngày 7-5-2009 kèm theo bản đồ "đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận tính chất lịch sử của "đường lưỡi bò” và mặc nhiên coi Biển Đông là vùng biển lịch sử của Trung Quốc. Về lâu dài, sự nhập nhằng sẽ khiến đường này được ngộ nhận là đường biên giới trên biển của Trung Quốc. Họ cũng khéo léo kết hợp đường này với các khái niệm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Trường Sa. Như vậy, toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà” của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc tế, một vịnh hay một vùng nước được coi là vùng có tính chất lịch sử, phải thoả mãn ít nhất hai điều kiện: Phải thực thi chủ quyền thật sự liên tục, hoà bình và lâu dài; Phải có sự chấp nhận công khai hoặc im lặng không phản đối của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia láng giềng và có lợi ích liên quan. Trung Quốc đã không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hoà bình và lâu dài. Không có một bằng chứng nào trong cổ sử Trung Quốc cho thấy Biển Đông là "ao nhà” của họ. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc không hề thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động của các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải của nhà Nguyễn (Việt Nam). Ngược lại, còn có những ghi nhận về sự thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động của hải đội Hoàng Sa như trường hợp năm 1774, quan huyện Văn Xương (Trung Quốc) giúp các dân binh Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc trở về nguyên quán. Trung Quốc cũng chưa bao giờ công bố công khai yêu sách "đường lưỡi bò” một cách chính thức trước cộng đồng quốc tế. Mặc dù các học giả Trung Quốc cho rằng "đường lưỡi bò” tồn tại từ lâu không bị ai phản đối, thế nhưng "đường lưỡi bò” trước đây chỉ xuất hiện trong một bản đồ tư nhân, không phải là cái để các quốc gia khác có ý kiến. Hơn nữa, Hội nghị San Francisco 1951 cũng đã bác bỏ đề nghị về chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này cho thấy yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận. "Đường lưỡi bò” còn mâu thuẫn ngay với quan điểm chính thức của Trung Quốc đã nêu trong Tuyên bố ngày 4-6-1958 về các vùng biển Trung Quốc. Trong Tuyên bố này rõ ràng Trung Quốc công nhận rằng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải bởi các vùng nước lịch sử. Trong Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1992, Trung Quốc cũng chỉ nêu đòi hỏi lãnh hải 12 hải lý xung quanh những vùng đất yêu sách chủ quyền và vùng tiếp giáp 12 hải lý dành cho thuế quan và các mục đích tương tự chứ không hề xác định "vùng nước lịch sử”. Ngày 15-6-1996, Trung Quốc phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và ban hành "Quy định về hệ thống đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải”, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Điều này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và cũng là sự vi phạm các quy định của UNCLOS về vạch đường cơ sở.
2 trong số 3 tàu hải giám Trung Quốc
đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam,
lao vào cắt cáp và cản trở hoạt động
của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011
Chủ quyền lãnh thổ không thể có được từ sự suy diễn dựa trên những dẫn chứng thiếu căn cứ. Do vậy, "đường lưỡi bò” không được xác định rõ cả về cơ sở pháp lý lẫn toạ độ địa lý, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ không chỉ của các nước liên quan mà còn là sự thách thức đối với quyền lợi hàng hải, hàng không của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng thế giới chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách chiếm cứ hầu hết toàn bộ Biển Đông như vậy và sẽ không bao giờ chấp nhận một vùng biển lớn, con đường hàng hải quốc tế quan trọng vào loại nhất nhì thế giới lại nằm dưới quyền tài phán của duy nhất một quốc gia như yêu sách "đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Tọa độ tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam
cắt cáp của tàu Bình Minh 02
Trung Quốc luôn tuyên bố muốn có hòa bình, ổn định và chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông một cách êm thấm. Thế nhưng, gần đây Trung Quốc lại gia tăng các hoạt động gây căng thẳng nhằm áp đặt yêu sách "đường lưỡi bò” chiếm gần trọn diện tích Biển Đông bất chấp quyền lợi của các nước trong khu vực cũng như chính các điều luật quốc tế mà họ đã công nhận và ký kết. Vào ngày 26-5 và 9-6-2011, tàu Trung Quốc đã hai lần xâm nhập cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam hoạt động trong vùng biển chủ quyền Việt Nam. Ngày 27-5-2011, Việt Nam gửi Công hàm cho Đại sứ Trung Quốc tố cáo Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và quyền chủ quyền của Việt Nam ngay trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày hôm sau, Trung Quốc đáp lại rằng những gì họ làm là "thực thi luật biển và các hoạt động giám sát là hoàn toàn bình thường trong vùng biển thẩm quyền của Trung Quốc”. Ngày 29-5-2011, Việt Nam tiếp tục phản đối hành động trên của Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng các tàu Việt Nam đã thực hiện việc thăm dò hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của mình, phù hợp với UNCLOS. Đây không phải là một khu vực tranh chấp mà cũng không nằm trong "vùng quản lý của Trung Quốc”. Trung Quốc đã cố ý đánh lừa dư luận rằng đây là vùng tranh chấp. Hai ngày sau, Trung Quốc lại ngang ngược tuyên bố rằng hành động thực thi luật pháp của các tàu hải giám Trung Quốc chống lại việc các tàu Việt Nam vận hành bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng. Họ còn thúc giục Việt Nam phải "ngay lập tức chấm dứt những hành động xâm phạm và không được gây thêm rắc rối mới”. Nhưng, theo các nhà bình luận quốc tế, thêm một lần nữa Trung Quốc đã không đặt tuyên bố của họ vào khuôn khổ của các vùng nước UNCLOS. Và Trung Quốc cũng không đưa ra ranh giới cụ thể cho yêu sách của họ cũng như trích dẫn ra bất kỳ điều luật quốc tế nào để có thể biện minh cho lập luận và hành động của họ.
Tàu ngư chính 311 tham gia giải cứu cho tàu cá Trung Quốc
trong vụ cắt cáp tàu Viking 2 ngày 9-6-2011

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) phân tích: Biển Đông giàu có tài nguyên trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là "lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Có thể khẳng định trong thời gian tới, vấn đề Biển Đông sẽ là nơi Trung Quốc không những giữ nguyên những tham vọng vốn có mà nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trước nhiều lần và càng bất chấp thiên hạ hơn”. Theo ông Dy, hơn lúc nào hết, Việt Nam và các bên liên quan phải cảnh giác cao độ trước âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều trước tiên là phải làm cho toàn thể người Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước thấy rõ sự đe dọa trực tiếp của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Từ đó, phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, khôn khéo, sáng tạo trong đường lối, chính sách đối ngoại bảo vệ có hiệu quả nhất chủ quyền trên Biển Đông của nước ta.

Nhóm PV Biển Đông
Nguồn:daidoanket.vn

TRUNG QUỐC CHƯA BAO GIỜ CÓ CHỦ QUYỀN Ở HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA


Trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc đã chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên Biển Đông của Việt Nam (mà họ gọi là Biển Hoa Nam). Chỉ từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, Trung Quốc thay đổi thái độ và liên tục lên tiếng đòi hỏi chủ quyền "bất khả tranh nghị” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, họ không đưa ra được cơ sở pháp lý hay một bằng chứng lịch sử nào đáng tin cậy cho thấy họ có chủ quyền hợp pháp trên các quần đảo này.
Tuần tra bảo vệ chủ quyền trên
đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường sa, Việt Nam
Ảnh: HOÀNG LONG
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ dựa trên các tài liệu của các nhà du hành, thám hiểm và dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế những tài liệu này không phải là các tư liệu chính thức của Nhà nước có thể dựa vào để chứng minh chủ quyền và sự kiểm soát chính thức của Trung Quốc tại các quần đảo này. Các bản đồ cổ mà Trung Quốc trưng ra để làm bằng chứng lịch sử cũng không phải là bản đồ chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Thậm chí, cho đến cuối thế kỷ XX, tài liệu chính sử ghi chép lại cho thấy Trung Quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Điều này được ghi nhận bởi các sự kiện liên quan đến 2 tàu La Bellona và Imeji Maru vận chuyển đồng dưới sự bảo hiểm của các công ty Anh quốc. Hai tàu này bị chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels), trong các năm 1895 và 1896. Các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam đã thu nhặt đồng từ xác tàu chìm và đem đi bán cho các thương nhân ở Hải Nam. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu đã phản đối với Chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khâm sai Quảng Đông lúc đó đã trả lời Công sứ Anh tại Bắc Kinh rằng: "Paracels là những hòn đảo vô chủ, chẳng thuộc Trung Quốc cũng như chẳng thuộc An Nam, về mặt hành chính chúng không nằm trong địa phận của quận huyện nào ở Hải Nam và cũng không có cơ quan đặc trách nào lo việc cảnh sát ở đó cả”. Trước những sự thật lịch sử hiển nhiên như vậy, Trung Quốc vẫn mạo nhận rằng họ đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XV trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa năm 1413. Tuy nhiên, trong các sách sử chính thức của Trung Quốc ghi chép về những chuyến hải hành phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục vùng Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn thuyền của phái bộ này chỉ đi ngang qua Biển Đông hướng về Ấn Độ Dương, không hề ghé lại các đảo hay quần đảo nào của Việt Nam.
Chùa Việt Nam trên đảo Trường sa Lớn
Theo luật pháp quốc tế, muốn xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển và hải đảo phải hội đủ 3 điều kiện: phải có sự thực thi chủ quyền của Nhà nước; thực thi một cách liên tục và lâu dài; được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. Những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Thậm chí, có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam. Cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: "Lộ trình phía ngoài được nối với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức phên dậu phòng thủ biên giới phía ngoài của nước An Nam”. Hơn nữa, chính sử nhà Thanh còn ghi rõ cho đến cuối thế kỷ XIX lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết, trong các bản đồ chính thức của triều đình không hề có các địa danh Tây Sa, Nam Sa hay Vạn Lý Trường Sa... Có thể khẳng định rằng nhà Thanh kết thúc từ năm 1911 chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, càng không bao giờ có cái gọi là "vùng biển lịch sử” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông do Trung Quốc tự tuyên bố như là "ao nhà” của họ từ hàng ngàn năm về trước.
Bà con dân tộc miền núi Việt Nam thăm
UBND xã đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa
Luật quốc tế cũng cho phép thủ đắc lãnh thổ do chiếm cứ, tuy nhiên phải hội đủ các điều kiện sau đây: chiếm cứ thực sự; chiếm cứ công khai; và chiếm cứ hoà bình. Không thể phủ nhận một sự thật lịch sử là vào năm 1956, Trung Quốc đã bí mật chiếm cứ vũ trang các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm đoạt toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu chiến vũ trang hạng nặng chiếm đoạt một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những vụ chiếm cứ này của Trung Quốc không mang tính hòa bình mà do sử dụng vũ lực mang tính xâm lăng nên không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trên Biển Đông không được coi là hợp pháp nên không bao giờ có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm cứ, quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa công khai, liên tục, lâu dài và hoà bình ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến nay, nên theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, kể cả các đảo đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực và đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Đảo Trường Sa Lớn
Khi Thế chiến thứ II còn đang tiếp diễn, năm 1943, đại diện ba cường quốc đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã họp tại Cairo (Ai Cập) ra Tuyên cáo Cairo ngày 27-11-1943. Điều đáng lưu ý là tại Hội nghị Cairo, Trung Hoa Dân Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1945, đại diện Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp tại Potsdam (Đức) ra Tuyên ngôn Potsdam ngày 26-7-1945, trong đó có việc ấn định thể thức giải giới quân đội Nhật tại Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc kể cả quần đảo Hoàng Sa; quân đội Anh từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam kể cả quần đảo Trường Sa. Giải giới không có nghĩa là tiếp thu hay chiếm lãnh thổ. Do đó nếu Anh không có chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa, và dĩ nhiên cũng không có chủ quyền ở Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951 Nhật Bản đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm đóng trong chiến tranh. Hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ngày 7-5-1951, tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có sự phản kháng nào của tất cả các quốc gia tham dự hội nghị. Về mặt pháp lý quốc tế, với sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 quốc gia hội viên Liên Hợp Quốc, có nghĩa là kể từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Điều này có giá trị tuyệt đối, kể cả đối với các quốc gia không tham dự Hội nghị. Ba năm sau, Hiệp định Genève 1954 tiếp tục khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Hiệp định Genève 1954 cũng khẳng định: "Các quốc gia tham dự Hội nghị Genève (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Đoàn đại biểu các dân tộc Việt Nam
tại mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn

Căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thức có giá trị pháp lý quốc tế, Trung Quốc đã ý thức được sự yếu kém của họ về cả 3 mặt pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó, họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đảo khác trên Biển Đông. Họ thường né tránh và luôn tuyên bố đó là một vấn đề "không thể chối cãi” hay "không thể tranh luận”. Lý do rất đơn giản vì họ không có đủ tài liệu hay lý lẽ để có thể đưa ra tranh nghị một cách công khai trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế cũng như của các tổ chức đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế để có thể chứng minh chủ quyền hợp pháp của họ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, ngày nay tất cả các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực đều bị coi là bất hợp pháp nên không có giá trị pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực và đang chiếm giữ bất hợp pháp trên Biển Đông, cũng như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không bao giờ thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Nhóm PV Biển Đông
Nguồn:Daidoanket.vn

CHỌN LỰA ĐI MÀY.

Đang buồn...Email cho em. Em chia sẻ:Kệ họ đi anh.Càng nghĩ đến anh càng thêm đau đầu thôi. Người thân của mình nhiều lúc còn không hiểu những gì mà mình đang làm thì làm sao người ngoài họ hiểu mình được hả anh?

Ừ ha. Chẳng phải lúc gặp stress mình muốn chui vào động Thiếu Thất đó sao? Mình muốn trốn tránh cả thế giới Ta Bà này đó sao? Mình chẳng muốn dựng lên bức tường ngăn cách để mình hoàn toàn yên tĩnh riêng đối diện tôi đó sao? Mình đã chẳng tỏ bày gì với cả người thân, huống hồ là đồng nghiệp.

Vậy chứng tỏ mình dựng bức tường nhưng mà vẫn thò tai ra ngoài.Nên mới lắng nghe và luôn luôn… không hiểu.

Vậy thì, nếu chọn con đường bưng tai bịt mắt không quan tâm gì đến thế giới bên ngoài, chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến, thì không có quyền than vãn chuyện mệt mỏi hay bức xúc. Còn không thì cứ trải lòng.

Chọn lựa đi mày, Huy ơi.

CHÍNH PHỦ ĐỪNG ĐI MỘT MÌNH.

Vậy là bước sang tuần thứ bảy, những cuộc xuống đường (gọi là biểu tình cũng được, mà gọi là tụ tập đông người cũng chả sao).Lại chăng dây, lại bắt bớ.Ít nhất lần này tới 46 người…Không biết các anh ấy bắt người về đồn, ngoài câu hỏi xác định nhân thân và ai xúi bẩy, nhận được bao nhiêu tiền thì các ảnh còn biết hỏi thêm câu gì không.

Mình cũng từng …đi học,cũng từng biết là cái tình cảm yêu nước thương nòi là cái tình cảm tự nhiên,như ông Mạnh Tử nói là nhân chi sơ tính bổn thiện vậy.Bác Hồ ngày xưa sợ các cháu…quên nên cẩn thận nhắc ngay từ đầu yêu Tổ quốc,yêu đồng bào…chớ đứa nhỏ sinh ra,được mẹ cho bú mớm, được cha dạy dỗ, biết thương cha mẹ anh em, ông bà cô bác,chòm xóm láng giềng rồi rộng ra là quê hương đất nước.Cái tình cảm ấy nó chả mơ hồ gì.Vô cớ xúc phạm hay xâm hại anh em ,cha mẹ…đến làng xóm của mình thì …đơn giản là…chửi lại, dũng mãnh hơn là uýnh lại…pháp luật hơn là cáo quan.Tức là ít ra cũng tỏ một thái độ…

Chớ nay, đồng chí bốn tốt mười sáu chữ vàng không ngừng xâm lấn lãnh thổ ta ( năm 1974 ở Hoàng sa,và năm 1988 ở Trường Sa, tổng cộng giết hại hơn 150 người Việt ta) và liên tục đuổi bắt, thậm chí bắn giết bà con ngư dân ta.Nghĩ đến đấy, nếu không phải là cầm thú thì giống máu đỏ da vàng con Hồng cháu Lạc nào mà không căm gan, day tay mắm miệng trợn mắt nghiến răng nhìn về Phương Bắc.

Thái độ ấy, có đúng đạo lý không, có phù hợp với tinh thần độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà quốc gia nào cũng tuyên bố không?

Vậy, tại sao xuống đường thể hiện thái độ thì bị bắt.Không lẽ chúng dân chỉ được quyền chúi đầu vào gối khóc thầm, hay ra quán rượu chửi đổng.Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống hồ trong đội ngũ xuống đường có nhiều vị nhân sĩ, trí thức mà sự tri kiến của các vị ấy còn hơn cả một đối sách quốc gia.

Có người sẽ nói, chúng dân xuống đường sẽ ảnh hưởng đến tình hữu nghị.Vậy chúng ta phải xem lại cái tình hữu nghị đó xây dựng trên cơ sở nào? Trên cơ sở thiên tử chư hầu, hay trên cơ sở hiến chương Liên Hiệp Quốc, là sự bình đẳng của mọi quốc gia, dân tộc.

Có người sẽ nói, xuống đường sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa hai chính phủ.Thế thì sự đàm phán đó chỉ dựa trên ba tấc lưỡi của các vị sứ giả,còn sức mạnh của dân tộc thì không cần đến.Đã đến lúc vứt dân ra đường? Vậy thì không cần đến dân biết, dân bàn nữa sao? Vậy cái chính phủ này không còn của dân, do dân và vì dân nữa sao?

Dân muốn đồng hành cùng chính phủ.Dân muốn đứng sau lưng chính phủ, để trên cuộc đàm phán, bất kỳ thế lực ngoại bang nào cũng thấy, đằng sau vị sứ giả Việt là cả một dân tộc đang cuồng nộ, quyết đem máu để bảo vệ từng tấc đất cha ông.

Chính phủ đừng đi một mình.