Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

TIỂU NHÂN & QUÂN TỬ.


Khổng Tử

1. Hai từ “Tiểu nhân” vốn có xuất xứ từ kinh Phật, trong Tạp thí dụ kinh. Chuyện là xưa có người tiểu nhân ngoại quốc hầu hạ người quyền quý, muốn lấy lòng người này, hễ thấy người quyền quý dổ một bãi nước bọt thì chạy liền đến dùng bàn chân xóa sạch đi. Trong số đó có một người tay chân chậm chạp, tuy cũng muốn lấy chân mình dẫm lên bãi nước bọt mà không kịp. Một lần, người giầu sang chúm miệng lại như sắp dổ nước bọt, anh ta liền giơ bàn chân giẫm lên miệng người giầu sang kia. Người giầu sang quát: “Mày muốn làm phản hả? Sao lại đạp lên miệng tao?” Tiểu nhân trả lời: “Tôi có ý tốt, số là ngài dổ nước bọt tôi muốn dẫm lên xóa sạch, nhưng nước bọt vừa ra khỏi miệng ngài thì người ta đã gianh nhau xóa mất rồi, tôi luôn luôn không kịp, vì vậy giờ tôi phải xéo lên bãi nước bọt khi nó còn ở trong miệng ngài”.

2. “Tiểu nhân” là từ trái nghĩa với “quân tử” mà Nho gia dùng để gọi những người phẩm chất hèn kém hay địa vị thấp kém. Luận ngữ – Vi chính viết: “Bậc quân tử trung tín với tất cả mọi người mà không bè đảng, còn tiểu nhân thì bè đảng mà không trung tín với tất cả mọi người” (Quân tử chu nhi bất tị, tiểu nhân tị nhi bất chu).

3. Quân tử là người có tài học, đức hạnh hoặc làm quan theo quan niệm Nho gia. Tiểu nhân thì ngược lại. Khổng Tử chủ trương người thống trị nên thi hành nhân chính, dùng đức tốt mà giáo hóa trăm họ chứ không nên hơi một tí là sát phạt. Luận ngữ – Nhan Uyên: “Quan Thượng khanh nước Lỗ là Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử rằng, nếu giết kẻ vô đạo để thành hữu đạo thì thế nào? Khổng Tử đáp, ngài làm chính sự, cần gì phải giết chóc? Đức của người quân tử ví như gió, đức của kẻ tiểu nhân ví như cỏ. Gió lướt trên, cỏ ắt phải rạp xuống” (Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong, tất yển).

4. “Cửu tư” (chín điều cần suy nghĩ) là chuẩn tắc tu thân xử thế của người quân tử. Luận ngữ – Quý thị: “Khổng Tử nói: Người quân tử có chín điều lo nghĩ: nhìn lo sao cho tinh, nghe lo sao cho sáng, vẻ mặt lo sao cho hòa nhã, thái độ lo sao cho khiêm cung, nói năng lo sao cho trung thực, làm việc lo sao cho thận trọng, nghi ngờ lo sao cho hỏi ra lẽ, bực tức lo tới hậu quả hoạn nạn, thấy được (lợi) phải lo tới nghĩa”.

5. Người quân tử có ba lần biến đổi (Quân tử tam biến – lời của Tử Hạ, học trò Khổng Tử). Luận ngữ – Tử Trương: “Người quân tử có ba lần biến đổi: nhìn từ xa thì thấy nghiêm trang đường bệ, đến gần tiếp xúc thì thấy thái độ ôn hòa, nghe lời nói thì thấy ngay chính, nghiêm túc”.

6. Quân tử có ba lỗi (quân tử tam khiên) là kinh nghiệm của Khổng Tử rút ra khi đi du thuyết chư hầu. Luận ngữ – Quý thị: “Hầu chuyện bậc quân tử có ba lỗi: nói chưa tới lượt mình mà đã nói, thế là bộp chộp; nói đã tới lượt mình mà không nói, là giấu giếm; chưa thấy vẻ mặt ra sao mà đã nói, là mù quáng”.

7. Người quân tử có 3 niềm vui (quân tử tam lạc). Mạnh Tử – Tận tâm thượng: “Người quân tử có ba niềm vui mà việc làm vua thiên hạ cũng chẳng dự được vào đấy (chẳng vui bằng). Cha mẹ đều còn, anh em vô sự, đó là một niềm vui. Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người, là hai niềm vui. Có được những anh tài trong thiên hạ mà giáo dục, dạy dỗ là ba niềm vui”.

8. Người quân tử cầu ở mình, kẻ tiểu nhân cầu ở người (quân tử cầu chư kỉ, tiểu nhân cầu chư nhân – Luận ngữ – Vệ Linh công). Đó là hai loại triết học xử thế khác nhau?!

9. Người quân tử không có điều gì phải tranh chấp (quân tử vô sở tranh – Luận ngữ – Bát dật). “Người quân tử không có điều gì phải tranh chấp. Nếu có, ắt là thi bắn cung chăng? Vái chào nhường nhau mà bước lên, rồi xuống mà uống rượu. Đó là sự tranh đua của người quân tử chăng?” Ấy là Nho gia chủ trương một mực giữ lễ, dùng lễ để kiềm chế việc tranh chấp, thung dung nhường nhịn, để duy trì sự ổn định trong xã hội.

Nguồn:huyminh.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét