Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

CAM KẾT TÀU.


Nguyễn Quang Lập


Tướng Vịnh,Thứ trưởng Quốc phòng Vn và Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng TQ.

Mình rất thích định nghĩa ngụy quyền của bác Huỳnh Ngọc Chênh trong bài ” Một ngụy quyền nữa ra đi“: “Ngụy Quyền mà tôi muốn nói tức là những nhà cầm quyền độc tài nhưng núp dưới danh nghĩa dân chủ để lừa đảo nhân dân. Họ là nhà cầm quyền ngụy dân chủ, cướp chính quyên bằng bạo lực, hoặc mỵ dân để được bầu lên rồi sau khi nắm quyền lực lại lén lút chuyển qua chế độ độc tài nên gọi là ngụy quyền. Nó khác với những nhà cầm quyền dân chủ thật sự do nhân dân bầu lên thông qua bầu cử tự do.”

Ấy là ý bác Chênh nói về chính quyền Muammar Gaddafi của Libya, người ta bảo đó là chính quyền độc tài, chính quyền điên rồ, chính quyền sa đọa, bác Chênh bảo đó là chính quyền ngụy, trúng ngay y chóc. Bác Chênh còn nói thêm cho rõ: ” Phần lớn những nhà cầm quyền ở Tây Á và Bắc phi là ngụy quyền. Đã là ngụy quyền thì không thể nào tồn tại lâu dài, vì sự tồn tại của chúng dựa vào sự trấn áp nhân dân bằng những thủ đoạn vừa tàn bạo vừa đê hèn bất chấp luật pháp và đạo lý. Đến một mức nào đó thì bộ mặt thật của chúng không còn thể nào che đậy được nữa, bất bình lan rộng và nhân dân nổi lên.”

Đúng rồi, phàm là ngụy thì trước sau gì cũng bị lật tẩy, bị đào thải. Nhưng trước khi bị lật tẩy, bị đào thải thì những ai lên tiếng bảo đó là ngụy rất dễ thân bại danh liệt, không vong mạng cũng tù tội , sợ lắm. Mình chỉ đủ gan cãi nhau với vợ chứ chẳng đủ gan cãi nhau với mấy cái ngụy to. Một là mình không đủ trình độ, hai là mình sợ bị lùa vào lực lượng thù địch. Mình chỉ xin thưa mấy món ngụy biện, mà cũng chỉ dám cãi với ngụy biện của ông Tàu chứ các vàng cũng không dám cãi với ngụy biện của ông Ta.

Đọc bài ‘Việt – Trung tuyệt đối không được sử dụng vũ lực‘ ,nghe tướng Nguyễn Chí Vịnh nói mình cứ lo lo, nghi nghi, chả biết hư thực thế nào. Tướng Vịnh nói: “Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc”.

Thiên hạ rất sợ món cam kết Tàu, vì đó là cam kết ngụy. Xưa nay có khi nào Tàu bảo sẽ lấy đất, lấy biển của Việt Nam đâu, họ toàn đòi cái của họ thôi. Họ bảo Hoàng Sa là của tao nhé. Bản Giốc là của tao nhé. Cái lưỡi bò to đùng trên Biển Đông cũng của họ tao nhé. Tao đòi cái của tao, không thèm lấy đất lấy biển của chúng mày đâu nhé. Mai mốt họ đem quân tràn sang nước ta, thế nào họ cũng bảo tao dạy cho chúng mày mấy bài học, tát cho mày mấy tát, chứ không thèm xâm lược chúng mày đâu nhé.

Vì cái món cam kết Tàu cho nên mình rất sợ khi nghe tướng Vịnh nói “Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền”. Cứ nghĩ chủ quyền của một dân tộc là bất khả xâm phạm, cũng có nghĩa là bất khả nhượng bộ, té ra không phải. Khi tướng Vịnh nói không nhượng bộ vô nguyên tắc thì người ta hiểu rằng ta sẽ ( hoặc đã) nhượng bộ có nguyên tắc về chủ quyền?

Có một nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, đây là chân lý “không có gì quí hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. TBT Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố: “Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng“, ai cũng đinh ninh đó là nguyên tắc vàng bảo vệ chủ quyền của bất kì một dân tộc nào. Bây giờ mới biết còn có nguyên tắc nhượng bộ, nguyên tắc nhượng bộ là nguyên tắc gì vậy ta?

Chợt nhớ câu thơ của Đỗ Trung Quân: ” Rõ rồi nhé, rõ mồn một rồi nhé” , tự nhiên giật mình toát mồ hôi hột.

Sợ lắm sợ lắm.

Nguồn: quecho.info

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

BIỂN ĐÔNG - TƯƠNG LAI CỦA XUNG ĐỘT.


Chiến trường quyết định của thế kỷ 21 sẽ là trên mặt nước.

Robert D. Kaplan

Châu Âu là một bức địa cảnh; Đông Á là một bức thủy cảnh. Trong đó ẩn chứa một sự khác biệt chủ yếu giữa hai thế kỷ 20 và 21. Những khu vực bị tranh chấp nhiều nhất trên thế giới trong thế kỷ vừa qua nằm trên đất liền khô cạn ở châu Âu, đặc biệt là trong sự mở rộng mặt bằng tạo nên những đường biên giới giả tạo ở phía đông và phía tây nước Đức và phơi ra cho cuộc hành quân bất lay chuyển của quân đội. Nhưng trong nhiều thập niên, trục nhân khẩu học và kinh tế của Trái Đất đã dịch chuyển đáng kể đến tận cùng bên kia của lục địa Âu – Á, nơi không gian giữa những trung tâm dân số lớn chủ yếu là biển.

Nhờ cách thức mà địa lý học giải thích và đặt ra các ưu tiên, những đường nét tự nhiên của Đông Á báo trước một thế kỷ hải quân – hải quân ở đây được xác định theo nghĩa rộng bao gồm cả các đội hình chiến đấu trên biển và trên không mà giờ đây đã trở nên ngày càng phức tạp. Tại sao? Trung Quốc, đặc biệt là hiện nay khi các đường biên giới trên bộ của nước này an toàn hơn so với bất cứ thời nào kể khi Nhà Thanh cực thịnh vào cuối thế kỷ 18, đang bận rộn trong việc mở rộng hải quân một cách không thể chối cãi. Chính nhờ sức mạnh trên biển mà Trung Quốc sẽ xóa bỏ về mặt tâm lý hai thế kỷ những tội ác của nước ngoài trên lãnh thổ của mình – buộc tất cả các nước xung quanh phải phản ứng.

Giao chiến quân sự trên đất liền và trên biển rất khác biệt, có những tác động lớn đến các chiến lược lớn cần thiết để chiến thắng – hoặc né tránh – chúng. Giao chiến trên đất liền vướng víu dân thường, trên thực tế làm cho các quyền con người trở thành một yếu tố nổi bật của các nghiên cứu chiến tranh. Đánh nhau trên biển tiếp cận xung đột như một vấn đề lâm sàng và mang tính kỹ trị, trên thực tế giảm thiểu chiến tranh thành toán học, tương phản rõ rệt với các trận chiến trí tuệ vốn đã giúp định rõ các cuộc xung đột trước kia.

Thế chiến II là một cuộc đấu tranh đạo đức chống lại chủ nghĩa phát xít, hệ tư tưởng chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục triệu người không tham chiến. Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến đạo đức chống lại chủ nghĩa cộng sản, hệ tư tưởng áp bức tương tự đã cai trị các vùng lãnh thổ rộng lớn mà Hồng quân Liên Xô chiếm đoạt. Thời kỳ ngay sau Thế chiến II trở thành một cuộc chiến đạo lý chống lại tội diệt chủng ở vùng Balkan và Trung Phi, hai nơi mà chiến tranh trên đất liền và các tội ác chống loài người luôn song hành. Gần đây hơn, một cuộc chiến đạo đức chống lại Hồi giáo cực đoan đã lôi kéo Mỹ vào sâu các vùng đồi núi Afghanistan, nơi sự đối xử nhân đạo với hàng triệu dân thường có tính quyết định đối với thành công của cuộc chiến. Trong tất cả những nỗ lực ấy, chính sách ngoại giao và chiến tranh đã trở thành các đề tài không chỉ cho lính tráng và các nhà ngoại giao mà còn cho cả giới nghiên cứu nhân văn và trí thức. Quả thực, việc chống chiến tranh du kích thể hiện đỉnh cao của nhiều sự kết hợp giữa các sĩ quan quân phục và các chuyên gia nhân quyền. Đây là kết cục của loại chiến tranh trên bộ phát triển thành một cuộc chiến toàn diện ở thời hiện đại.

Đông Á, hay chính xác hơn là Tây Thái Bình Dương, nơi đang nhanh chóng trở thành tâm điểm mới của các hoạt động hải quân thế giới, báo trước một động lực hoàn toàn khác biệt về cơ bản. Nhiều khả năng khu vực này sẽ tạo ra một số cuộc chiến đạo đức mà chúng ta đã quen trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, với ngoại lệ là khả năng xa về một cuộc chiến trên bộ ở Bán đảo Triều Tiên. Tây Thái Bình Dương sẽ giao trả các vấn đề quân sự cho lĩnh vực chật hẹp của các chuyên gia quốc phòng. Điều này không phải chỉ bởi chúng ta đang đối phó một lĩnh vực hải quân, trong đó dân thường không hiện diện, mà còn bởi vì bản chất của chính các quốc gia ở Đông Á, như Trung Quốc chẳng hạn, có thể rất độc đoán nhưng trong hầu hết các trường hợp lại không bạo ngược hoặc độc ác cực điểm.

Cuộc đấu giành vị trí đứng đầu ở Tây Thái Bình Dương sẽ không nhất thiết phải dính đến chiến tranh; phần lớn những gì xảy ra sẽ xảy ra một cách êm ả và ở ngoài đường chân trời trên không phận biển trống vắng, ở một nhịp độ lạnh lùng phù hợp với sự điều chỉnh đều đặn, chậm rãi theo sức mạnh quân sự và kinh tế ưu việt hơn mà các nước đã tạo dựng được qua lịch sử. Chiến tranh còn lâu mới xảy ra ngay cả khi cạnh tranh là một sự định sẵn. Và nếu Trung Quốc và Mỹ giải quyết thành công cuộc bàn giao sắp tới thì châu Á và cả thế giới sẽ trở thành một nơi phồn thịnh, an toàn hơn. Còn điều gì đạo đức hơn thế? Hãy nhớ: Chính chủ nghĩa hiện thực phục vụ lợi ích quốc gia – mục đích là tránh chiến tranh – đã cứu sống nhiều nhân mạng trong suốt chiều dài lịch sử hơn so với chủ nghĩa can thiệp nhân đạo.

Đông Á là một dải rộng lớn, trải dài gần như từ Bắc Cực tới Nam Cực – từ quần đảo Kuril về phía nam tới New Zealand – và có đặc điểm là một dãy đứt đoạn các bờ biển riêng biệt và các quần đảo trải rộng bao la. Ngay cả tính đến việc công nghệ đã rút ngắn khoảng cách hiệu quả đến thế nào thì vùng biển này tự nó vẫn đóng vai trò như một hàng rào ngăn xâm lược, ít nhất cũng ở một mức độ mà đất liền khô cạn không thể làm được. Không giống như đất liền, vùng biển này tạo thành các đường biên giới được định rõ, cho phép nó có khả năng làm giảm xung đột. Bên cạnh đó cần tính đến tốc độ. Ngay cả các tàu chiến nhanh nhất cũng di chuyển tương đối chậm chạp, 35 hải lý, làm giảm bớt cơ hội của tính toán sai và cho các nhà ngoại giao nhiều giờ hơn – thậm chí nhiều ngày hơn – để xem xét lại các quyết định. Các lực lượng hải quân và không quân đơn giản là không chiếm đóng lãnh thổ theo cách các quân đội vẫn làm. Chính nhờ các vùng biển xung quanh Đông Á – trung tâm sản xuất của thế giới cũng như số hợp đồng mua sắm quân sự ngày càng tăng – mà thế kỷ 21 có một cơ hội tốt hơn so với thế kỷ 20 trong việc tránh những cuộc xung đột quân sự lớn.

Tất nhiên, Đông Á đã chứng kiến nhiều xung đột quân sự lớn trong thế kỷ 20 mà các vùng biển đã không ngăn chặn được: Chiến tranh Nga – Nhật; nội chiến gần nửa thế kỷ ở Trung Quốc xảy ra với sự sụp đổ từ từ của Nhà Thanh; nhiều cuộc chinh phạt của đế quốc Nhật, tiếp đến là Thế chiến II ở Thái Bình Dương; cuộc chiến Triều Tiên; các cuộc chiến ở Campuchia và Lào; và hai cuộc chiến ở Việt Nam liên quan tới Pháp và Mỹ. Thực tế địa lý Đông Á chủ yếu là biển đã có rất ít ảnh hưởng đến những cuộc chiến tranh mà tâm điểm của chúng là các xung đột về thống nhất hoặc giải phóng dân tộc. Nhưng thời đại ấy phần lớn nằm phía sau chúng ta. Các quân đội ở Đông Á, thay vì tập trung vào bên trong với các đội quân công nghệ thấp, nay đang hướng ra ngoài với các lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao.

Ví Trung Quốc ngày nay với nước Đức trước Thế Chiến I như nhiều người có thể so sánh thì không đúng. Trong khi Đức chủ yếu là một cường quốc đất liền, do địa thế của châu Âu, thì Trung Quốc sẽ là một cường quốc hải quân, do địa lý của Đông Á.

Đông Á có thể chia thành hai khu vực chung: Đông Bắc Á – bị chi phối bởi Bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á, bị chi phối bởi Biển Đông. Đông Bắc Á xoay quanh vận mệnh Bắc Triều Tiên, một đất nước bị cô lập và chuyên chế với tương lai u mê trong một thế giới do chủ nghĩa tư bản và liên lạc điện tử chi phối. Nếu Bắc Triều Tiên nổ tung, các lực lượng trên bộ của Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc có thể chạm trán nhau trên nửa bắc của Bán đảo trong khởi nguồn của mọi sự can thiệp nhân đạo, ngay cả khi họ chia ra các khu vực ảnh hưởng cho chính mình. Các lực lượng hải quân sẽ là thứ yếu. Nhưng một sự thống nhất sau cùng của Triều Tiên sẽ sớm đưa các lực lượng hải quân lên vị trí chỉ đạo, với một Triều Tiên thống nhất, Trung Quốc, và Nhật Bản trong sự cân bằng mong manh, cách nhau bởi Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Bột Hải. Tuy nhiên, do Bắc Triều Tiên vẫn tồn tại nên giai đoạn Chiến tranh Lạnh trong lịch sử Đông bắc Á vẫn chưa kết thúc hoàn toàn, và sức mạnh trên bộ có thể sẽ chi phối tin tức ở đó trước khi sức mạnh trên biển làm được điều này.

Trái lại, Đông Nam Á đang chìm sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh của lịch sử. Việt Nam, nước chiếm ưu thế trên bờ phía tây Biển Đông, là một sự tàn phá tư bản chủ nghĩa bất chấp hệ thống chính trị của nước này, đang tìm kiếm các mối quan hệ quân sự thân thiết hơn với Mỹ. Trung Quốc, thống nhất như một nhà nước của triều đại Mao Trạch Đông sau nhiều thập niên hỗn loạn và trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới nhờ những mở rộng tự do của Đặng Tiểu Bình, đang vươn ra bên ngoài bằng lực lượng hải quân tới những gì mà họ gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” ở Tây Thái Bình Dương.

Nước đông dân Hồi giáo Indonesia, đã phải chịu đựng và rút cục chấm dứt được nhiều chục năm quân đội cầm quyền, đang sẵn sàng nổi lên như một Ấn Độ thứ hai – một nền dân chủ năng động và ổn định với khả năng phóng sức mạnh theo cách nền kinh tế đang tăng trưởng của nước này. Singapore và Malaysia cũng đang nổi lên về kinh tế, đi theo mô hình nhà nước-thành phố-kết hợp-nhà nước-kinh doanh và thông qua những pha trộn khác nhau của dân chủ và độc tài. Bức tranh ghép đủ màu là một cụm các quốc gia, với những vấn đề về tính hợp pháp nội địa và xây dựng đất nước nằm đằng sau, đã sẵn sàng nâng cao nhận thức về các quyền lãnh thổ vượt ra ngoài bờ biển của họ. Sức đẩy chung ra phía ngoài nằm trong buồng lái nhân khẩu học của thế giới, vì nó nằm ở Đông Nam Á với 615 triệu dân, nơi 1,3 tỷ người của Trung Quốc tập trung cùng 1,5 tỷ người của tiểu lục địa Ấn Độ. Và nơi gặp gỡ địa lý của các quốc gia này, cùng quân đội của họ, là biển: Biển Đông.

Biển Đông nối các nước Đông Nam Á với Tây Thái Bình Dương, có chức năng như một yết hầu của các tuyến đường biển quốc tế. Đây là trung tâm hàng hải của của Âu-Á, được nhấn mạnh bằng các eo biển Malacca, Sunda, Lombok, và Makassar. Hơn nửa số lượng tàu buôn hàng năm của thế giới cùng một phần ba tất cả các hoạt động hàng hải phải chạy qua những điểm eo hẹp này. Dầu lửa được vận chuyển qua Eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, trên đường tới Đông Á qua Biển Đông, nhiều gấp 6 lần so với số lượng được chuyển qua Kênh đào Suez và 17 lần so với số lượng qua Kênh đào Panama. Xấp xỉ 2/3 các nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% các nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, và khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông. Không chỉ có thế, Biển Đông còn được chứng minh có các mỏ dầu 7 tỷ thùng và ước tính 900 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên, một phần thưởng rất lớn về tiềm năng.

Không chỉ vị trí và dự trữ năng lượng hứa hẹn mang lại cho Biển Đông tầm quan trọng địa chiến lược then chốt mà cả những tranh cãi lãnh thổ từ lâu xung quanh vùng biển này. Một số tranh chấp liên quan tới Trường Sa, một quần đảo nhỏ ở phía đông nam Biển Đông. Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc mỗi bên đều tuyên bố chủ quyền ở tất cả hoặc hầu hết Biển Đông, cũng như tất cả các nhóm đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt, Bắc Kinh còn khẳng định một tuyến đường lịch sử: nước này đòi chủ quyền tận trung tâm của Biển Đông trong một đường cong lớn (được biết đến rộng rãi là đường lưỡi bò) từ đảo Hải Nam ở cực bắc của Biển Đông hướng về phía nam dài 1.200 dặm tới gần Singapore và Malaysia.

Kết quả là cả 9 quốc gia dính đến Biển Đông đều ít nhiều dàn trận chống lại Trung Quốc, và vì thế dựa vào Mỹ về hỗ trợ ngoại giao và quân sự. Những tuyên bố xung đột đó nhiều khả năng sẽ còn kịch liệt hơn khi các nhu cầu về năng lượng tăng cao ở châu Á – mức tiêu thụ năng lượng được cho là tăng gấp đôi vào năm 2030, với Trung Quốc chiếm gần một nửa mức tăng đó – làm cho Biển Đông trở thành một sự bảo đảm quan trọng hơn bao giờ hết cho sức mạnh kinh tế của khu vực. Biển Đông đã trở thành một trại vũ trang, khi các bên tuyên bố chủ quyền xây dựng và hiện đại hóa hải quân của họ, kể cả khi tranh chấp biển đảo trong những thập niên gần đây hầu như đã chấm dứt. Đến nay, Trung Quốc đã chiếm 12 đặc điểm địa lý, Đài Loan chiếm 1, Việt Nam 25, Philippines 8 và Malaysia 5.

Chính địa lý của Trung Quốc định hướng nước này theo hướng Biển Đông. Trung Quốc nhìn về phương nam hướng tới một lòng chảo nước được hình thành, theo chiều kim đồng hồ, bởi Đài Loan, Philippines, đảo Borneo chia tách giữa Malaysia và Indonesia (cả Brunei nhỏ bé), Bán đảo Malay phân chia giữa Thái Lan và Malaysia, và dải bờ biển dài như rắn lượn của Việt Nam: tất cả đều là các nước yếu, so với Trung Quốc. Giống như Biển Caribbe, được nhấn mạnh bởi các quốc đảo nhỏ và được bao quanh bởi nước Mỹ to như lục địa, Biển Đông rõ ràng là một vũ đài cho việc phóng tỏa quyền lực của Trung Quốc.

Do vậy, vị trí của Trung Quốc ở đây theo nhiều cách rất giống với vị trí của Mỹ đối diện với Carribe rộng tương tự hồi thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỹ công nhận sự hiện diện và các tuyên bố của nhiều cường quốc châu Âu ở Caribbe nhưng vẫn tìm cách thống trị cả khu vực. Chính cuộc chiến Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898 và việc đào kênh Panama từ năm 1904 tới 1914 đã báo hiệu sự xuất hiện của Mỹ như một cường quốc thế giới. Hơn nữa, sự thống trị vùng Caribbe rộng lớn hơn giúp Mỹ kiểm soát hiệu quả vùng Tây Bán Cầu, cho phép nước này gây ảnh hưởng đến cán cân quyền lực ở Đông Bán Cầu. Và ngày nay, Trung Quốc tự thấy mình trong tình thế tương tự ở Biển Đông, một phòng chờ của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng thèm khát một sự hiện diện của hải quân để bảo vệ các nguồn cung năng lượng của mình từ Trung Đông.

Tuy nhiên, một thứ sâu sắc và cảm động hơn địa lý đang thúc đẩy Trung Quốc tiến vào Biển Đông và tiến ra Thái Bình Dương: đó là sự tan rã một phần của chính Trung Quốc bởi các cường quốc phương Tây trong quá khứ tương đối gần đây, sau khi đã trở thành một sức mạnh vĩ đại và một nền văn minh thế giới trong nhiều thiên niên kỷ.

Trong thế kỷ 19, Nhà Thanh trở thành một kẻ bệnh tật của Đông Á. Trung Quốc mất rất nhiều lãnh thổ vào tay Anh, Pháp, Nhật và Nga. Thế kỷ 20 chứng kiến cuộc thôn tính đẫm máu của Nhật Bản đối với Bán đảo Sơn Đông và Mãn Châu. Tất cả những điều đó là sự nhục nhã đỉnh điểm ép buộc Trung Quốc bằng các thỏa thuận đặc quyền ngoại giao của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhờ đó các nước phương Tây giành quyền kiểm soát nhiều phần của các thành phố Trung Quốc – được gọi là “các hải cảng mở cho thương mại nước ngoài”. Năm 1938, như sử gia Jonathan D. Spence của Đại học Yale, nói cho chúng ta biết trong cuốn “The Search for Modern China”, do những vụ cướp bóc này cùng với Cuộc Nội chiến Trung Quốc mà vẫn còn âm ỉ nỗi sợ rằng “Trung Quốc sắp bị chặt chân tay, khiến nước này không thể tồn tại như một quốc gia, và rằng lịch sử 4000 năm được ghi lại của họ sẽ tiến tới một hồi kết điếng người”. Việc Trung Quốc hối hả mở rộng là một lời tuyên bố rằng nước này sẽ không bao giờ để cho người ngoài lợi dụng một lần nữa.

Giống như lãnh thổ Đức tạo nên mặt trận quân sự tiền phương của Chiến tranh Lạnh, các vùng nước ở Biển Đông có thể hình thành một mặt trận quân sự tiền phương cho những thập niên sắp tới. Khi Hải quân Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn, và khi những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông trái ngược với những tuyên bố của các nước ven biển khác, các nước này sẽ buộc phải phát triển hơn nữa các khả năng hải quân của mình. Họ cũng sẽ cân bằng trước Trung Quốc bằng cách tăng cường dựa vào Hải quân Mỹ, lực lượng có sức mạnh đã đạt đến đỉnh cao trong các điều kiện tương đối, ngay cả khi phải chuyển hướng các nguồn lực lớn tới Trung Đông. Đa cực khắp thế giới đã là một đặc điểm của ngoại giao và kinh tế, nhưng Biển Đông có thể cho chúng ta thấy đa cực thực sự sẽ như thế nào theo nghĩa quân sự.

Chẳng có gì lãng mạn về mặt trận mới này, cũng không có nghĩa như các cuộc chiến đấu đạo đức. Trong các cuộc xung đột hải quân, nếu không có pháo kích trên bờ thì tự nó không có nạn nhân; cũng không có một kẻ thù can đảm để mà đối đầu. Chẳng có gì ở quy mô thanh trừng sắc tộc có khả năng xảy ra ở chiến trường trung tâm mới của xung đột. Trung Quốc, tuy những người bất đồng chính kiến vẫn phải chịu đựng, đơn giản là không đến độ là mục tiêu của cơn thịnh nộ đạo đức. Chế độ Trung Quốc chỉ thể hiện một phiên bản hàm lượng calo thấp của chủ nghĩa độc đoán, với một nền kinh tế tư bản và một chút ý thức hệ chủ đạo để mà nói đến. Hơn nữa, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành một xã hội cởi mở hơn chứ không khép lại trong những năm tới. Thay vì chủ nghĩa phát xít hay chủ nghĩa quân phiệt, Trung Quốc – cùng với các nước khác ở Đông Á – đang ngày càng được xác định bởi sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ: một ý tưởng, chắc chắn vậy, nhưng không phải là loại hấp dẫn giới trí thức từ giữa thế kỷ 19. Và ngay cả nếu Trung Quốc có trở nên dân chủ hơn thì chủ nghĩa dân tộc của họ cũng chỉ có khả năng tăng lên, như được tỏ rõ trong một cuộc khảo sát ngẫu nhiên về quan điểm của các cư dân mạng khá tự do của nước này.

Chúng ta thường nghĩ về chủ nghĩa dân tộc như một tình cảm phản động, một di vật của thế kỷ 19. Tuy nhiên, chính chủ nghĩa dân tộc truyền thống đã thúc đẩy chính trị ở châu Á, và sẽ tiếp tục làm như thế. Chủ nghĩ dân tộc ấy dang dẫn dắt một cách không cần biện giải tới sự lớn mạnh của quân đội các nước trong khu vực – đặc biệt là hải quân và không quân – để bảo vệ chủ quyền và tuyên bố chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên tranh chấp. Không có sự quyến rũ triết lý ở đây. Tất cả là về một logic lạnh lùng của cán cân quyền lực. Đến mức độ đó, chủ nghĩa hiện thực vô cảm, vốn liên kết với chủ nghĩa dân tộc, có một ngôi nhà địa lý, đó là Biển Đông.

Bất cứ thảm kịch đạo đức nào xảy ra ở Đông Á đều sẽ mang hình thức chính trị quyền lực khắc khổ của loại khiến rất nhiều trí thức và nhà báo tê liệt. Như Thucydides đã giải thích rất đáng nhớ trong câu chuyện ông kể về cuộc chinh phạt đảo Melos của người Athens cổ đại. “Kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu chịu đựng những gì họ phải chịu”. Trong câu chuyện kể lại của thế kỷ 21, với Trung Quốc trong vai trò của người Athen như một cường quốc biển vượt trội trong khu vực, kẻ yếu vẫn phải cam chịu – nhưng chỉ thế thôi. Đây sẽ là chiến lược im ỉm của Trung Quốc và các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á có thể liên kết với Mỹ để tránh số phận của người Melo. Nhưng sẽ không có tàn sát ở đó.

Biển Đông báo trước một hình thức xung đột khác so với những cuộc xung đột mà chúng ta từng biết đến. Từ đầu thế kỷ 20, chúng ta đã bị tổn thương bởi một mặt là những trận chiến lớn theo lối cổ truyền trên bộ, mặt khác là những cuộc chiến nhỏ bẩn thỉu và bất thường. Vì cả hai loại chiến tranh này đều gây thương vong lớn cho dân thường nên chiến tranh đã trở thành một chủ đề cho những người theo chủ nghĩa nhân văn cùng các tướng lĩnh. Nhưng trong tương lai, chúng ta chỉ có thể chứng kiến một hình thức thuần túy hơn của xung đột, giới hạn trong lĩnh vực hải quân. Đây là một viễn cảnh tích cực. Xung đột không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thân phận con người. Một chủ đề trong “Các luận đàm về Livy” của Machiavelli là xung đột đó, nếu được kiểm soát đúng đắn, sẽ có khả năng dẫn đến tiến bộ của loài người hơn so với sự ổn định cứng nhắc. Một vùng biển đầy tàu chiến không mâu thuẫn với một kỷ nguyên tràn đầy hứa hẹn cho châu Á. Sự bất an thường nuôi dưỡng động lực.

Nhưng liệu xung đột ở Biển Đông có thể kiểm soát một cách đúng đắn không? Đến đây, lập luận của tôi cho rằng một cuộc chiến tranh lớn sẽ không nổ ra trong khu vực và thay vào dó, các nước sẽ bằng lòng để khôn khéo giành ưu thế với các tàu chiến của họ ở các vùng biển cả, trong khi vẫn đưa ra các tuyên bố cạnh tranh các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có lẽ còn đồng ý phân chia chúng một cách công bằng. Nhưng ra sao nếu Trung Quốc, đi ngược lại mọi xu hướng dựa trên bằng chứng, xâm lược Đài Loan? Thế nào nếu Trung Quốc và Việt Nam, hai nước hiện đang cạnh tranh gay gắt bắt nguồn từ sâu trong lịch sử, xảy ra chiến tranh như hồi năm 1979, với nhiều vũ khí gây chết người hơn thời nay? Vì không chỉ một mình Trung Quốc đang xây dựng mạnh mẽ quân đội của mình, các nước Đông Nam Á cũng thế. Ngân sách quốc phòng của họ tăng lên khoảng 1/3 trong thập niên qua, ngay cả khi ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu đã giảm bớt. Nhập khẩu vũ khí vào Indonesia, Singapore, và Malaysia lần lượt tăng 84%, 146%, và 722% kể từ năm 2000. Chi tiêu đều dành cho các nền tảng của hải quân và không quân: chiến hạm trên mặt nước, tàu ngầm với các hệ thống tên lửa tân tiến, và các phi cơ chiến đấu tầm xa. Mới đây, Việt Nam đã chi 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm hạng Kilo tối tân và 1 tỷ USD mua các chiến đấu cơ của Nga. Malaysia vừa mở một căn cứ tàu ngầm trên đảo Borneo. Mặc dù Mỹ bị phân tâm bởi các cuộc chiến trên bộ ở Trung Đông, sức mạnh quân sự của nước này vẫn đang lặng lẽ dịch chuyển từ châu Âu đến châu Á.

Mỹ hiện thời đang bảo đảm cho hiện trạng không yên ở Biển Đông, hạn chế sự xâm lược của Trung Quốc chủ yếu trên các bản đồ và giữ vai trò như một sự kiểm tra đối với các nhà ngoại giao và hải quân của Trung Quốc (nhưng điều này không phải để nói rằng Mỹ trong sáng trong các hành động của mình còn Trung Quốc tự là kẻ ác). Những gì Mỹ mang đến cho các nước trong khu vực Biển Đông không nhiều thực tế về lòng tốt dân chủ bằng sự thật về sức mạnh cơ bắp của nước này. Chính sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc rụt cục sẽ giữ cho Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia được tự do, có thể kích bẩy cường quốc này chống lại cường quốc kia. Và trong không gian tự do đó, chủ nghĩa khu vực có thể nổi lên như một sức mạnh của chính nó, dưới hình thức ASEAN. Tuy nhiên, loại tự do như vậy không tự nhiên mà có. Vì sự bế tắc căng thẳng đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc – vốn mở rộng thành một loạt các chủ đề phức tạp từ thương mại, cải cách tiền tệ, an ninh mạng đến giám sát tình báo – các mối đe dọa rút cục sẽ làm thay đổi thiện cảm của Trung Quốc ở Đông Á, chủ yếu là do trung tâm địa lý của Trung Quốc đối với khu vực.

Tổng kết toàn diện nhất của cảnh quan địa chính trị châu Á không đến từ Bắc Kinh hay Washington mà từ Canberra. Trong một bài viết dài 74 trang được xuất bản năm ngoái, “Dịch chuyển quyền lực: Tương lai của Australia giữa Washington và Bắc Kinh”, tác giả Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, mô tả đất nước ông là một cường quốc “nguyên trạng” tinh hoa – một nước đang hết sức muốn tình hình ở châu Á duy trì đúng như hiện nay, với Trung Quốc tiếp tục phát triển để Australia có thể buôn bán ngày càng nhiều hơn với nước này, trong khi Mỹ vẫn là “quyền lực mạnh nhất ở châu Á” để luôn là “người bảo vệ tối thượng” của Australia. Tuy nhiên, như White viết, vấn đề là cả hai điều này đều không thể diễn ra. Châu Á không thể tiếp tục thay đổi về kinh tế mà không thay đổi về chính trị và chiến lược; một nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc tất nhiên sẽ không hài lòng với vị thế đứng đầu quân sự của Mỹ ở châu Á.

Vậy Trung Quốc muốn gì? Giáo sư White cho rằng, Trung Quốc có thể mong muốn một loại đế chế kiểu mới ở châu Á mà Mỹ đã xây dựng ở Tây Bán cầu ngay khi Washington đảm bảo sự thống trị đối với Lòng chảo Caribbe (như Bắc Kinh hy vọng sẽ thống trị Biển Đông). Đế chế kiểu mới này, theo diễn giải của White, có nghĩa là các nước láng giềng của Mỹ “ít hay nhiều sẽ tự do điều hành đất nước của chính họ”, ngay cả khi Washington có khẳng định rằng các quan điểm của nước này sẽ được “xem xét toàn diện” và được ưu tiên so với những quan điểm của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề với mô hình này là Nhật Bản, nước có thể sẽ không chấp nhận sự bá chủ của Trung Quốc, dù là mềm mỏng. Điều đó khiến Bản hòa tấu mô hình châu Âu, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, và có lẽ một hoặc hai nước khác nữa ngồi xuống bàn thương lượng về sức mạnh châu Á ngang bằng nhau. Nhưng liệu Mỹ có chấp nhận một vai trò khiêm tốn như vậy vì nước này đã gắn kết sự thịnh vượng và ổn định của châu Á với sự ưu việt của chính mình? Giáo sư White cho rằng, trong khi đối diện với sức mạnh đang lên của Trung Quốc, sự thống trị của Mỹ từ nay trở về sau có thể lại có nghĩa là bất ổn cho châu Á.

Sự thống trị của Mỹ được khẳng định dựa trên khái niệm rằng vì Trung Quốc là một chế độ độc đoán trong nước nên họ sẽ hành động “không thể chấp nhận được ở nước ngoài”. Nhưng có thể không phải như vậy, White lập luận. Quan niệm về mình của Trung Quốc là quan niệm của một cường quốc ôn hòa không bá quyền, một nước không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác theo cách mà Mỹ – với giáo lý của kẻ bao biện – vẫn làm. Bởi vì Trung Quốc tự nhận mình là một Vương quốc Trung dung, với nền tảng thống trị của họ là vị trí trung tâm vốn có của nước này với lịch sử thế giới, chứ không phải bất kỳ một hệ thống nào mà họ tìm cách xuất khẩu.

Nói cách khác, Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, có thể là vấn đề trong tương lai. Chúng ta có thể thực sự quan tâm quá nhiều đến bản chất nội bộ của chính quyền Trung Quốc và tìm cách hạn chế sức mạnh của Trung Quốc ở nước ngoài bởi vì chúng ta không thích các chính sách trong nước của họ. Thay vào đó, mục tiêu của Mỹ ở châu Á nên là sự cân bằng, chứ không phải thống trị. Chính xác là bởi vì quyền lực cứng vẫn là chìa khóa cho các mối quan hệ quốc tế và chúng ta phải nhường chỗ cho một Trung Quốc đang lên. Mỹ không cần tăng sức mạnh hải quân của mình ở Tây Thái Bình Dương nhưng thực chất cũng không thể giảm bớt lực lượng này.

Việc mất đi một đội hàng không mẫu hạm Mỹ ở Tây Thái Bình Dương do cắt giảm ngân sách hoặc do tái bố trí đến Trung Đông có thể gây ra những cuộc thảo luận căng thẳng trong khu vực về sự suy giảm của Mỹ và hậu quả cần phải thực hiện những sửa đổi và các thỏa thuận với Bắc Kinh. Hoàn cảnh tốt nhất là sự hiện diện của hải quân và không quân Mỹ ở một mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn hiện nay, ngay cả khi Mỹ phải dùng mọi sức mạnh của mình để xây dựng các mối quan hệ thất thiết và có thể dự báo trước với Trung Quốc. Bằng cách đó, Mỹ có thể điều chỉnh theo thời gian với một lực lượng hải quân viễn dương Trung Quốc. Trong các vấn đề quốc tế, đằng sau mọi câu hỏi về đạo đức đều ẩn chứa vấn đề quyền lực. Sự can thiệp nhân đạo tại vùng Balkan chỉ có thể bởi vì chế độ Serbia quá yếu, không giống như chính quyền Nga phạm các tội ác với quy mô tương tự ở Chechnya nhưng phương Tây không có hành động gì. Ở Tây Thái Bình Dương trong những thập niên tới đây, đạo đức có thể có nghĩa là từ bỏ một số các ý tưởng thân thương nhất của chúng ta vì lợi ích của sự ổn định. Chúng ta sẽ thế nào để tạo chỗ trống cho một Trung Quốc gần như độc tài khi quân đội nước này mở rộng? Bản thân sự cân bằng quyền lực, thậm chí nhiều hơn các giá trị dân chủ của phương Tây, thường là sự bảo vệ tốt nhất cho tự do. Đó cũng sẽ là một bài học của Biển Đông trong thế kỷ 21 – một bài học khác mà những người hay lý tưởng hóa không muốn nghe.

Robert D. Kaplan là một chuyên viên cấp cao của Trung tâm vì một An ninh Mỹ mới, nhà báo quốc gia cho The Atlantic, và một thành viên của Hội đồng Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông là tác giả cuốn Monsoon: The Indian Ocean and the Future of American Power.


Người dịch: Trúc An
Nguồn:anhbasam.wordpress.com

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

NHỮNG CÁI CHẾT LÃNG XẸT.


1. Chàng và nàng rong ruổi trên chiếc xe gắn máy qua con đường thu vàng rực đầy lá me bay. Gió thu thổi tóc nàng bay bay, cọ vào má chàng. Nàng mỉm cười hạnh phúc gục đầu vào vai chàng, đặt nhẹ nụ hôn nóng bỏng ướt át vào cổ chàng, thì thầm thật khẽ lời yêu thương. Chàng ngoái cổ lại hôn vào trán nàng. Họ đâm vào đít chiếc xe tải đi đằng trước, chàng gãy cổ. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo: “Gia đình khiêng về lo ma chay”.

2. Chàng và nàng dạo chơi bên đầm sen. Những đóa sen hồng tỏa mùi hương ngát trong nắng chiều. Nàng thỏ thẻ đòi chàng chứng tỏ tình yêu bằng một bó sen thơm. Chàng gallant, lại biết bơi nên không sợ chết đuối. Nàng hạnh phúc nâng niu bó sen suốt trên đường về. 3 hôm sau sen tàn, chàng cũng sốt cao rồi lên cơn uốn ván, do dẫm chân phải cái đinh gỉ ven bờ đầm. Đưa ma chàng, đã hết mùa sen.

3. Chàng đội mưa trong đêm, nhảy tường công viên hái cho nàng một bó hoa vạn thọ. Nàng chơi dương cầm, mắt nhòe hạnh phúc khi thấy chàng hiện ra trong đêm mưa: “Tôi là khách qua đường, xin em hãy nhận lấy!”. Nàng trao chàng nụ hôn thơ ngây đầu đời. Chàng sung sướng lảo đảo đi về, qua đầu ngõ, bị dại xồ ra cắn. Ngày ra đi, bọt mép chàng xùi trắng hơn bong bóng nước đêm mưa

4. Nàng xinh đẹp giỏi giang và là “gái đoan trang dễ đâu làm quen”. Chàng từ lâu, toàn tâm toàn ý gửi trọn con tim cho hình bóng nàng. Kịch bản cổ điển được dàn dựng: Nàng sẽ bị một đám du đãng (bạn chàng giả danh) vây bủa, chàng sẽ tả xung hữu đột phò giai nhân thoát hiểm. Mọi việc đều hoàn hảo, trừ miếng đòn cuối hạ gục tên đầu sỏ, chàng hứng chí song phi quá độ, mất đà đập đầu vào tường. Chẩn đoán rạn xương sọ não, chảy máu trong. Chàng sống thêm nửa ngày rồi… tắt thở.

5. Chàng bao giờ cũng mơ mộng lãng mạn về người mình yêu, rón rén nhẹ nhàng đến sau lưng và quàng tay ôm chặt cổ nàng thật lâu. 2 người lặng im không nói, nghe tình yêu bay lên, bay lên. Một hôm chàng đang ăn mận trên phòng, nàng đến nhà chơi chào bố mẹ chàng rồi khẽ khàng lên gác. Chàng đang ngửa cổ khoan khoái nhai mận, bị nàng ôm choàng từ sau lưng, hột mận tụt xuống cổ rồi tắc luôn trong vòng tay. Sau ít phút yêu lặng lẽ, nàng nhận thấy tim chàng hết còn đập thình thịch như lúc đầu, mà đã… ngừng luôn.

6. Kỉ niệm một năm ngày yêu nhau, chàng mua tặng nàng chiếc nhẫn mặt kim cương để ngỏ lời cầu hôn. Hồi hộp, chàng đứng trước gương trong toilet tập tành mãi từng ánh mắt nụ cười cử chỉ. Mồ hôi ra ướt hết cả tay, chàng để rơi chiếc nhẫn vào bồn tắm. Cúi xuống nhặt, chàng bị trượt chân đập đầu vào thành bồn tắm, đúng chỗ có cái móc quần áo của bộ vét chàng sẽ mặc tối nay nhọn hoắt nhô lên. Chàng chết, giai vẫn còn tân...

Rất nhiều cái chết lãng xẹt – Đọc ngày đầu tuần để càng thấm thía: Sống được đã may mắn. Được sống lại càng hạnh phúc hơn, nên đừng có bon chen, giành giật khốn nạn, đạp nên nhau và làm điều ác để làm gì. Cẩn thận lại… đi lãng xẹt đấy.

Nguồn:tapchibapcai.com

LÀNG CŨ TAM KỲ.



Đến nửa đầu thế kỷ XX, địa danh Tam Kỳ còn dùng để chỉ một xã thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và “làng Tam Kỳ” cùng “làng Tứ Bàn” là hai trong các làng địa phương trước Cách mạng tháng Tám trực thuộc xã ấy.

Vị trí hai làng cổ Tam Kỳ đến thời điểm đó có thể xác định như sau: Nam giáp làng Phú Hưng và làng Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân I) mà ranh giới là sông Tam Kỳ; Đông và Đông Nam giáp làng Phú Quý thượng (nay thuộc phường An Phú) mà ranh giới là sông Bàn Thạch; Bắc và Tây Bắc giáp hai làng Mỹ Thạch (nay thuộc phường Tân Thạnh) và làng Phương Hòa (nay thuộc phường Hòa Thuận); Tây giáp thôn Trà Cai của làng Chiên Đàn (nay thuộc phường Hòa Thuận) và tây nam giáp làng An Dưỡng và Trường Xuân (nay thuộc phường Trường Xuân).

Tam Kỳ là ngôi làng rất xưa. Theo gia phả các họ tộc tiền hiền tại đây, những cư dân đầu tiên đến vùng đất này từ niên hiệu Hoằng Định (1600) đời vua Lê Kính Tông (tộc Trần) và từ 1740 đời vua Lê Hiển Tông ( tộc Nguyễn). Tên làng có lẽ có trước 1767, bởi đến thời điểm đó, địa danh Tam Kỳ còn được dùng để chỉ một khu vực rộng hơn đó là Tam Kỳ tân lập xã (1). Làng có các ấp: Hương Trà, Hương Sơn thượng, Hương Sơn hạ, Hòa Phước, Hòa An ấp, Hòa An khuôn (2). Hương Trà, một ấp nằm sát tả ngạn sông Tam Kỳ là nơi định cư sớm nhất của các di dân từ xã Kim Chuyết, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hương Sơn hạ là ấp định cư ban đầu của di dân tộc Nguyễn từ xã Ngọc Lâm, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa vào (3).
Đình làng Tam Kỳ nằm ở khu vực ấp Hòa Phước (gần khu vực Quỳnh Phủ hội quán hiện nay) (4). Gần đấy có một giếng Chăm cổ đáy vuông, thành vuông có bốn trụ nhô cao thường được gọi là giếng Bốn Trụ. Giếng đó đến nay hãy còn (ở khu vực khối phố 1 phường Hòa Hương, thành phố Tam Kỳ).



Bến của “tuần đò Tam Kỳ” giữa thế kỷ XVIII được nhắc trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn nay không thể xác định nằm ở khu vực nào ở tả ngạn sông Tam Kỳ. Có khả năng bến ấy nằm ở khu vực giữa cầu cũ và cầu mới Tam Kỳ hiện nay. Nơi ấy, khoảng 1952-1954, gọi là “bến thương thuyền” là nơi tập trung những thuyền buôn từ các nơi đổ về; những thuyền này trước đỗ ở bến Chợ Vạn sau vì máy bay Pháp oanh tạc đã tụ cả về đây.

Khu vực “Hòa An khuôn” có một địa danh là “Phủ cũ” xuất phát từ việc ghi nhận tại đây có lỵ sở của phủ Tam Kỳ xưa. Nền lỵ sở này ngày nay là nơi tọa lạc của trụ sở UBND phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ. Hiện còn một cây đa cổ thụ tuổi có thể hơn 200 năm nằm sát khu vực này.
Cách phủ lỵ Tam Kỳ về hướng Nam Đông Nam khoảng 500 mét có một gò đất rộng, bằng phẳng gọi là “Gò Nha”. Chẳng rõ đấy có phải là nơi tọa lạc của một số nha môn thuộc phủ Tam Kỳ xưa? Nhưng chắc nơi ấy chẳng phải là “nha sơn phòng” vốn lúc đó đặt ở Dương Yên thuộc huyện Bắc Trà My bây giờ.


Hoa sưa An Thổ
Ven sông Tam Kỳ, phía trên đường thiên lý, có một khu đất gọi là “Gò mả đông” thuộc khu vực làng Hương Sơn thượng. Tương truyền đây là nơi chôn rất nhiều nạn nhân của một trận đói lịch sử (?) thời xưa; như phía hữu ngạn sông Tam Kỳ có “Gò dịch” chôn nạn nhân của một trận dịch thời trước (?). “Gò mả đông” là nơi thực dân Pháp hành hình nhà yêu nước Trần Thuyết, một thủ lĩnh nông dân địa phương trong phong trào kháng sưu chống thuế năm 1908.

Ga Tam Kỳ nằm gần sát cột cây số đường sắt chính giữa ga Hà Nội và ga Sài Gòn. Từ cuối thế kỷ XIX, khi hòan thành đường sắt xuyên Việt, ga Tam Kỳ đã hình thành. Ga này nằm ở trung điểm khoảng cách giữa ga Quán Rường (nay là ga An Mỹ) ở phía Bắc và ga Phú Hưng còn gọi là ga tạm Khương Mỹ (nay không còn) ở phía Nam thuộc địa phận xã Tam Xuân I, Núi Thành.
Từ ga Tam Kỳ, người Pháp thiết kế một con đường thẳng xuống hướng Đông Bắc (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng), song song với đường băng qua đường sắt xuống chợ Vạn (nay là đường Trần Cao Vân). Nối hai con đường ấy, có một quan lộ (nay là một đoạn của đường Trần Dư). Chỗ góc tiếp giáp đoạn quan lộ ấy với đường xuống chợ Vạn (nay thuộc khu vực Nhà văn hóa thành phố và trường THPT Lê Quý Đôn), đầu thế kỷ XX người Pháp đặt một đồn đại lý ở đấy. Cái đồn quân sự - hành chánh ấy đã được nhắc đến trong một bài thơ của thân mẫu cố giáo sư Tạ Quang Bửu, có chồng làm giáo thụ từng sống ở địa phương này:

“Phong cảnh Hà Đông có phải đây?
Có đồn đại lý, có lầu Tây
Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy
Ngọn núi Tùng Lâm (5) lớp lớp xây?
Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?
Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!
Sông Tiên nào thấy ông tiên tắm?
Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!(6).

Sát đồn đại lý về phía Tây Nam là một bệnh viện mà dân địa phương quen gọi là “Nhà thương” (7). Phía đối diện đồn đại lý, cách 100 mét về phía Đông, là Sở Bang tá. Thân phụ ông Nguyễn Tăng Hích (tức nhạc sĩ Trần Hòan) từng một thời làm việc ở đây. Cạnh đấy, về phía đối diện là Nhà Dây thép (nay là trụ sở Bưu điện thành phố Tam Kỳ). Đồn Thương chánh nằm trên đường quốc lộ xế về phía Nam (nền đất đó nay gần vị trí trụ sở của Ủy ban Thanh tra tỉnh). Có thể kể thêm một số cơ sở khác như Maternité còn gọi là “Nhà thương đẻ” (nay thuộc khu vực chợ mới Hòa Hương) và Abattoir (Lò mổ gia súc) cũng gần khu vực đó.

Giữa khu Chợ Mới (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài) và Chợ Vạn có trường tiểu học Pháp Việt (Ecole de plein exercice) còn gọi là trường Kiêm Bị (nay thuộc khoảng phía sau khu vực có hiệu trà Mai Hạc đường Phan Châu Trinh). Nhiều thế hệ học sinh cao niên còn nhớ tên các thầy từng làm đốc học nơi đây như thầy Đốc Cảnh (Trần Cảnh), thầy Đốc Hoành (Hà Thúc Hòanh), thầy Đốc Cầm, thầy Đốc Thuyên (con trai chí sĩ Trần Quý Cáp) …
Cùng với ngôi trường trên còn có trường Nữ tiểu học Pháp Việt ( Ecole de jeunnes filles)(8). Bà Lê Đình Lâm (còn gọi là bà Trợ Lâm - thân mẫu giáo sư nông học Lê Văn Căn), một nữ trợ giảng người phủ Tam Kỳ từng làm hiệu trưởng trường này.

Những trụ sở của các tôn giáo tại làng Tam Kỳ xưa có rất muộn và ít: có thể kể chùa Tịnh Độ, chùa Tam Bảo, nhà thờ công giáo địa hạt Tam Kỳ (xây năm 1937) và một nhà nguyện Tin Lành (xây sau 1940). Ở Tam Kỳ xưa, ngoài đạo thờ tổ tiên theo truyền thống, đến giữa thế kỷ XX, số người có tín ngưỡng khác không nhiều.

Làng Tứ Bàn gồm bộ phận dân cư đến định cư ở ven sông Bàn Thạch - một nhánh của sông Tam Kỳ - nơi lưu truyền câu ca:

Hồ, Huỳnh, Trần, Nguyễn. Đỗ, Đinh, Lê
Đồng hướng Nam du hội nhất tề…”.

Tại khu vực này, có một miếu thờ 7 họ tộc đã được nhắc đến trong câu ca trên; đó là “Miếu thất phái” sau trở thành trụ sở đình làng Tứ Bàn còn được gọi là “đình thất phái”.

Chếch về phía Nam “đình thất phái” khoảng 300 mét là Quỳnh Phủ Hội Quán do các người Hoa gốc Hải Nam thành lập. Trong khu vực Hội Quán này có chùa Chiêu Ứng được xây dựng mang tên trùng với Chiêu Ứng tự tại Hội An.

Dãy phố nằm giữa hai cơ sở văn hóa trên được dân địa phương thời Pháp thuộc quen gọi là “dãy dọc” (nay nằm trên trục đường Duy Tân). Trên dãy phố này, có nhiều cửa hàng của người Việt như An Lợi bán rượu, ông Hai Dao bán cao lầu, bà Bảy Sửu cho thuê truyện, ông Thuyết buôn lâm thổ sản, ông Sum buôn mắm, bà Khải, bà Đức Thọ, bà Năm Nho… Gia đình ông Nguyễn Quý Hương, thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân, từng một thời sống ở dãy phố này.

Bến chợ Vạn thuộc làng Tứ Bàn trên sông Bàn Thạch nằm ở điểm giao hội các con đường từ Trà My, Tiên Phước xuống vùng hạ bạc và con đường dẫn lên khu chợ Vạn (nay là đường Xóm Củi sát mé sông, thuộc phường Phước Hòa). Chợ “Man” được nhắc đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí phần viết về tỉnh Quảng Nam xưa có lẽ nằm gần khu vực này.

Chợ Vạn là nơi tập trung buôn bán khá sầm uất – gần đấy có một dãy phố “Hoa kiều” gọi là “dãy ngang” (nay thuộc đường Phan Đình Phùng, gần trụ sở phường Phước Hòa). Nơi đây, đến giữa thế kỷ XX, vẫn còn san sát các hiệu buôn người Hoa như của các ông Năm Ngô, ông Phong, ông Bang Căn, ông Lý Tuế (ông Cào), ông Cao Vinh Sanh (Đạt An), ông Cả Chiếu (Ngô Quân Tụ), Quảng Nam Lợi, Phúc Xuân Lợi, Quảng Nam Thạnh, Phước Dũ Thạnh… Các hiệu buôn này chủ yếu làm đại lý trung chuyển nguồn lâm thổ sản từ các miền nguồn Nam Quảng Nam đưa về Hội An để xuất khẩu; một số hành nghề thuốc Bắc. Có thể kể thêm một đại lý cho hãng rượu Sica của Pháp tại khu vực này là ông Nhì Xùng (Di Sùng ?) (9). Về sau, đến thập niên 1930, khi chợ Mới (sau gọi là chợ Mai) được thành lập thì chợ Vạn được người địa phương gọi thành tên “chợ Cũ”.


...........

Chú thích:

(1) Theo một sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 27 (1767) còn lưu tại nhà ông Trần Văn Tuyền, Hương Trà, Hòa Hương, Tam Kỳ.

(2) Theo cụ Nguyễn Ngọc Cẩn 84 tuổi ở khối phố 7 phường An Xuân, thì đến đầu thế kỷ XX, cả Hòa An ấp và Hòa An khuôn đều được nâng lên thành làng cùng với làng Phước Xuyên thuộc khu vực Cồn Thị bên kia sông Bàn Thạch.

(3)Theo gia phả tộc Trần làng Hương Trà và gia phả tộc Nguyễn làng Hương Sơn, Tam Kỳ.

(4)Vẫn theo cụ Nguyễn Ngọc Cẩn, thì đình này bị tháo dỡ trong thời kỳ tiêu thổ kháng chiến; còn nơi đặt đình Tam Kỳ (còn gọi là đình Hương Trà) hiện nay vốn trước đó là nền một ngôi chùa do người Hoa lập nên gọi là Chùa Ông.

(5) Có người cho đây là tên khác của cụm núi đất An Hà - Quảng Phú hiện nằm ở khu vực phường An Phú, Tam Kỳ. Nhưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng thì ghi là núi Thanh Lâm - nay thuộc xã Tiên Thọ, Tiên Phước. (Xin xem thêm “100 năm Phủ lỵ Tam Kỳ” Kỷ yếu hội thảo khoa học, Sở TTVH Quảng Nam XB tháng 12.2006 trang 32,33)

(6) Những mô tả trên của Tạ Quang Diệm phu nhân bao gồm nhiều địa điểm thuộc khu vực phủ Tam Kỳ xưa mà nay đã tách thành bốn khu vực hành chính: huyện Tiên Phước, huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ. Vì thế, nhiều người khác địa phương hẳn không ngạc nhiên gì khi thấy những ghi nhận về vùng đất Tam Kỳ xưa không chỉ bao gồm đất và người ở nội thành mà còn ở cả ba huyện còn lại đã nói trên, cùng với cả địa giới hai huyện Nam và Bắc Trà My vốn đến cuối thế kỷ XIX vẫn còn thuộc “Tam Kỳ phủ”.

(7) Theo hồi ức của một vài vị cao niên thì thứ tự các trụ sở thời Pháp thuộc từ đồn Đại lý kể xuống theo trục đường có thể liệt kê như sau: a. Đồn Đại lý; b. Sân tennis; c. Nhà thương; d. Sở Lục lộ; e. Nhà Dây thép…

(8) Có người nhớ vị trí trường tọa lạc gần khu vực Quỳnh Phủ Hội Quán; lại có người nhớ trường này đặt ở khu vực hiện nay là trường tiểu học Trần Quốc Toản đường Trần Cao Vân. Có thể trường Nữ tiểu học Pháp Việt này trước nằm gần quốc lộ sau chuyển lên vị trí mới chăng?

(9) Theo lời kể của ông Vương Tải Minh, gốc Hoa, cán bộ tập kết hưu trí, hiện ở đường Huỳnh Thúc Kháng nối dài.

Nguồn:banvannghe.com

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

BẤT LỰC VÀ CỰC KHOÁI.


Quan Ngân khố Tổng quản đại thần nước Vệ, nhân buổi nhàn đàm sau ngày nhiệm chức, trước sự chất vấn của vô số kẻ rách việc cứ xía vô công việc của ngài, bèn tuyên bố rằng: “Định hướng lâu dài lãi suất tiền gửi không thể thực dương, vì điều đó là vô lý…Thiệt ra ở các nước, người dân mở tài khoản, ngân hàng giữ hộ tiền,chứ ngân hàng không phải là kênh đầu tư…Nếu dân muốn kinh doanh vốn, phải đầu tư ở thị trường chứng khoán…”

Ý hẳn ngài đang bị xoay về việc mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bị khống chế mãi ở mức 14%, trong khi chỉ số lạm phát so với cùng kỳ đã trên 20%, so với cuối năm 2010 là trên 17%.Có nghĩa là người dân càng gửi càng lỗ vì cái lạm phát đang đà phi mã bên cái lãi suất đang bị ghìm cương.

Và có nghĩa là ngài cáu.ĐM…cái việc kềm hãm lạm phát đang là một impossible mission (nhiệm vụ bất khả thi) mà cứ bảo phải kiếm lãi từ kiền gửi tiếc kiệm thì có khác nào bảo thằng chồng impotent (bất lực) làm cho vợ orgasm (cực khoái).

Tuy nhiên,bất lực cũng có nhiều thể.Cụ tỉ là ngài (và triều đình của ngài) chỉ bất lực tâm lý (psychological impotence), bất lực với cơm, chứ phở thì …ngài không như mãnh hổ đấy chứ.Mới đây ngài định giảm lãi suất cho vay để cứu khối bất động sản thơm phưng phức đấy sao.Phải cứu net chớ.
Tuy nhiên các em út được nưng niu xứ Vệ không em nào có em nào đủ sự mắc cỡ mà than phiền như cụ tỷ phú Warren Buffett xứ Cờ Hoa: ”Hãy chấm dứt sự chiều chuộng những người siêu giàu…Tôi đề nghị giữ mức thuế thu nhập cũ cho 99.7% công dân Mỹ và giảm thêm 2% cho số tiền người làm thuê trả thuế lao động…Nhưng đối với người thu nhập hơn 1 triệu USD (0.3%) dân số) nên tăng thuế ngay đối với số tiền sau 1 triệu USD.Còn người thu nhập cao hơn 10 triệu USD thì nên chịu thuế thu nhập cao hơn.Những người bạn siêu giàu của tôi và tôi đã được Quốc – hội – thân – thiện – với – tỷ - phú này chiều chuộng đủ rồi.Bầy giờ là thời điểm để người giàu thực sự chia sẻ khó khăn một cách nghiêm túc”.

Còn con đường ngài hướng dẫn cho dân đầu tư thì hỡi ơi.Đem tiền mua rau muống.

MẸ HIỀN CHỊU HẾT NỔI RỒI.



Bác sĩ Giàu (Vũ Thư – Thái Bình) đã bị đâm chết,chưa kịp nhận sổ hưu.Bác sĩ ấy chết bởi một trọng tội,đó là tận tâm phục vụ cho một xã hội rừng rú,một giai tầng lãnh đạo vô cảm.
Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng côn đồ tấn công thầy thuốc tại khoa cấp cứu.Rất nhiều trường hợp,mới đây là Cà mau,trước nữa là Nghệ an,Hải phòng…và còn bao nhiều trường hợp nữa chưa được nêu lên.
Khoan hãy phân tích chuyện đúng sai lỗi phải trong khi thực hành thao tác hồi sức.Chỉ nói đến trách nhiệm và sinh mệnh của người thầy thuốc khi thi hành công vụ,đúng,thi hành công vụ.
Đa phần các trường hợp tấn công thầy thuốc xảy ra ở bệnh viện tuyến huyện,nơi khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực,chống độc nhập chung làm một.Bác sĩ cấp cứu những cas ngưng tim ngưng thở trong vòng vây của người nhà bệnh nhân.Giống như biểu diễn tay nghề vậy.
Ở các tuyến tỉnh,trung ương,phòng Hồi sức được cách ly,có đủ phương tiện,có lực lượng bảo vệ đủ để can thiệp kịp thời.
Ở tuyến huyện,phưong tiện thiếu thốn,không có phòng cách ly,không có lực lượng bảo vệ.Người thầy thuốc gần gũi dân đến nỗi có thể bị đâm chết bất cứ lúc nào.
Xã hội ngày càng phức tạp.Tình trạng xã hội đen thanh toán nhau,đưa đến bệnh viện,rồi đe dọa hành hung bác sĩ ,rượt đuổi đâm chém nhau trong bệnh viện.Ai là người bảo vệ sự an toàn cho người thầy thuốc?



Tất nhiên quý vị lãnh đạo bệnh viện,lãnh đạo chính quyền rất chi là đạo đức sẽ lên giọng thuyết giảng,nào là bình tĩnh giải thích cho người nhà bệnh nhân,nào là tích cực chăm sóc,không lơ là thiếu tinh thần trách nhiệm.Xin mới quý vị xuống trực một đêm.Một tua trực cấp cứu chỉ có 3 người,1 bác sĩ và 2 điều dưỡng.Trước tình trạng bệnh nhân ngưng tim ngưng thở,lo ấn tim,tìm vein tiêm thuốc còn không kịp.Miệng đâu mà đi giải thích.Tất nhiên có vị giải thích rất khéo,tập trung giải thích rằng thì là bệnh rất nặng,chúng tôi đã cố gắng hết sức,đã lăng xăng,đã rối rít,đã huy động điện nước,bảo vệ,lái xe….nhưng không cứu được.Trong khi đó bệnh nhân không được hồi sức tích cựu,đúng phương pháp.Bác sĩ tập trung cứu người thì nguy cơ chết cao,bác sĩ giải thích,nguy cơ chết thấp.
Tại sao không tổ chức khoa cấp cứu đúng nghĩa,có phòng cách ly và lực lượng bảo vệ đủ để bảo vệ an toàn tính mạng cho người thầy thuốc.Phải biết một điều rằng trước tình trạng khẩn cấp,nhiệm vụ chính của người thầy thuốc là phải tập trung cứu người,đừng để họ phân tâm vào những lời giải thích.
Mình cũng từng làm HSCC 15 năm.Cũng mướt mồ hôi hồi sức bệnh nhân trong vòng vây thân nhân bệnh nhân,những tiếng chửi rủa cục cằn,những ánh mắt hằm hè cứ như là mình gây ra tai nạn giao thông cho người thân của họ,gây ra nhồi máu cơ tim cho cha mẹ họ.Vừa làm vừa liếc chừng,canh chừng…
Quý vị lãnh đạo,hãy bớt nói lời chim chóc (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Quang Lập),mà hãy tập trung vào các biện pháp bảo vệ an toàn sinh mạng cho người thầy thuốc,nhất là những khu vực cấp cứu.Quý vị đừng đóng cửa phòng máy lạnh,rung đùi trong khi tính mệnh nhân viên mình như sợi chỉ treo chuông.

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

PHIẾU TRẮNG.

Hội nghị Diên Hồng

Thì ra anh bạn giếng làng…láng giềng tập trận thiệt. Không gì phải hoắng lên. Nhiều bình lựng gia đã nhảy vào phân tích, so sánh tương quan rồi phán:Có thể nước Tề đánh ta thiệt, cũng có thể không.Có thể đánh to, cũng có thể đánh nhỏ (như cơn bão trong chén nước trà).Chỉ khổ cho nước Vệ ta phải căng sức ra trên mặt trận quốc phòng toàn dân.Tiền bạc thì thiếu lên thiếu xuống nhưng cũng phải khuân về mấy cái Kilo, mấy cái Su – 30, mấy cái Gepard…Rứa chớ cũng chưa chắc đã giữ được cái Cát Dài, nói chi đến chuyện lấy lại Cát Vàng trong nhiệm kỳ như nhà văn viễn tưởng nào mới viết đây.

Nhưng giả sử Tề uýnh ta thiệt thì răng hè? Tám mấy triệu dân nước Vệ sẽ ứng xử răng hè?
Chắc có mấy tình huống xảy ra:

Một là bảo vệ đất nước đến cùng, điều đó cũng có nghĩa là bảo vệ triều đình nước Vệ đến cùng.Đó là dạng Trần Bình Trọng.

Hai là theo Tề cho hắn khỏe, đỡ đánh đấm ngày nào hay ngày ấy, thà làm đít con trâu hơn đầu con gà..Đó là dạng Trần Ích Tắc.

Còn dạng thứ ba, chán ngán triều đình mà cũng căm ghét Tề thậm tệ, bèn đi… trốn. Mồ mả cha ông thì đã có triều đình lo, giờ có mất vào tay Tề thì triều đình chịu trách nhiệm, mình có liên đới gì mà sợ.Đó là dạng (hơi gượng ép chút) Hoàng Cự Đà trong câu chuyện chia muỗm.

Hai dạng đầu thì dễ rồi, rõ ràng rồi.Còn dạng thứ ba là dạng bỏ phiếu trắng.Hơi đâu đi lo bảo vệ tài sản của triều đình.Chính xác là thế, vì đã từ lâu, đa phần thảo dân Vệ đã hoàn thành công cuộc vô sản hóa, chỉ được quyền nộp thuế và è lưng gánh nợ cho những cú xài hoang của triều đình.Quay lưng lại hiểm họa ngoại xâm, bỏ phiếu trắng.Cũng có lý cho dạng này, vì họ có được dự phần đồng cam đâu mà bắt họ cộng khổ.

"Mộ gió" Hồ Quý Ly

Năm đó, khi mấy chục vạn quân Tề đang áp sát biên giới, mặc dù Vệ đã có Thành Đa Bang vững chãi, súng Thần Cơ oai mãnh, Tả Tướng Hồ Nguyên Trừng vẫn cười đau khổ mà rằng: "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi" Kết quả ở Ki Lê, Thiên Cầm ra sao chắc ai cũng nhớ.

Bao nhiều phần trăm dân Vệ sẽ bỏ phiếu trắng hè?

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

LY CAFE MUỐI.

Hôm qua bàn chuyện tục, hôm nay đổi tone sang lãng mạn chút cho đời tươi. Và hỏi thật, các bác có hay nói dối người yêu không?

Tối qua Tổng Cua đứng đợi ở ga tầu điện ngầm Rosslyn (Arlington) nghe lỏm một thằng Mỹ trắng nói chuyện điện thoại di động với người yêu. Mồm hắn oang oang “I love you so much. I miss you – anh yêu em lắm lắm, anh nhớ em. Anh muốn nói chuyện với em mãi mãi, nghe giọng em ngọt ngào”, lọt vào tai mình, dù không muốn nghe.

Có vẻ nhắc đi nhắc lại mãi “lời muôn thưở”, hắn bắt đầu chán và bảo “Thôi, em hang up – cúp máy trước đi”. Thằng cha gallant, muốn người yêu bỏ máy trước. Nhưng hình như đầu bên kia cũng muốn bên này cúp máy trước vì muốn thêm giọng oanh vàng.

Lằng nhằng tới 5 phút chưa xong, cậu sốt ruột “Thôi chúng ta cùng cúp máy nhé”. Cũng không được, cu cậu lại ra mẹo khác “Hãy đếm 1, 2, 3, và tới 4 thì cúp nhé”.

Cuối cùng cũng xong. Cậu ta lầu bầu “Bloody lady…Sao mà có cái loại nói dài, nói dai, ngu và cả tin thế. Tầu chạy mẹ mất rồi”.

Hóa ra, “I love you so much. I miss you” chỉ đơn giản là những lời nói dối. Nhưng càng nói dối, cô nàng càng tin và càng quấn quýt, không muốn rời xa. Anh chàng rơi vào cái bẫy do mình tự bày đặt. Cũng may cậu thoát hiểm, dù muộn một chuyến tầu.

Không như thằng cha trong câu chuyện sau, rơi vào cái bẫy “nói dối” của chính mình trong suốt cuộc đời.

Anh gặp nàng trong một bữa tiệc. Nàng vô cùng xinh xắn và dễ thương… Biết bao chàng trai theo đuổi nàng, trong khi anh chỉ là một gã bình thường, chẳng ai thèm để ý.

Cuối bữa tiệc, lấy hết can đảm, anh mời nàng đi uống cafe. Hết sức ngạc nhiên, nhưng vì phép lịch sự nàng cũng nhận lời.

Họ ngồi im lặng trong một quán cafe. Anh quá run nên không nói được câu nào. Cô gái bắt đầu cảm thấy thật buồn tẻ và muốn đi về… Chàng trai thì cứ loay hoay mãi với cốc cafe, cầm lên lại đặt xuống.

Đúng lúc cô gái định đứng lên và xin phép ra về thì bất chợt chàng trai gọi người phục vụ: “Làm ơn cho tôi ít muối vào tách cafe”.

Gần như tất cả những người trong quán nước đều quay lại nhìn anh… Cô gái cũng vô cùng ngạc nhiên.

Nàng hỏi anh tại sao lại có sở thích kì lạ thế. Anh lúng túng một lát rồi nói: “Ngày trước nhà tôi gần biển. Tôi rất thích nô đùa với sóng biển, thích cái vị mặn và đắng của nước biển. Vâng, mặn và đắng – giống như cafe cho thêm muối vậy… Mỗi khi uống cafe muối như thế này, tôi lại nhớ quê hương và cha mẹ mình da diết.”.

Cô gái nhìn anh thông cảm và dường như nàng rất xúc động trước tình cảm chân thành của anh. Nàng thầm nghĩ một người yêu quê hương và cha mẹ mình như thế hẳn phải là người tốt và chắc chắn sau này sẽ là một người chồng, người cha tốt.

Câu chuyện cởi mở hơn khi nàng cũng kể về tuổi thơ, về cha mẹ và gia đình mình.

Khi chia tay ra về, cả hai cùng cảm thấy thật dễ chịu và vui vẻ. Và qua những cuộc hẹn hò về sau, càng ngày cô gái càng nhận ra chàng trai có thật nhiều tính tốt. Anh rất chân thành, kiên nhẫn và luôn thông cảm với những khó khăn của cô.

Như bao câu chuyện kết thúc có hậu khác, hai người lấy nhau. Họ sống rất hạnh phúc trong suốt cuộc đời. Sáng nào trước khi anh đi làm, nàng cũng pha cho anh một tách cafe muối.

Nhiều năm sau, đôi vợ chồng già đi, và người chồng ra đi trước.

Sau khi anh mất, người vợ tìm thấy một lá thư trong ngăn kéo “Gửi người con gái mà anh yêu thương nhất. Có một điều mà anh đã không đủ can đảm nói với em. Anh đã lừa dối em, một lần duy nhất trong cuộc đời. Thực sự là ngày đầu tiên mình gặp nhau, được nói chuyện với em là niềm sung sướng đối với anh. Anh đã rất run khi ngồi đối diện em. Lúc đó anh định gọi đường cho tách cafe nhưng anh nói nhầm thành muối. Nhìn đôi mắt em lúc đó, anh biết mình không thể rút lại lời vừa nói nên anh đã bịa ra câu chuyện về biển và cafe muối. Anh không hề thích và chưa bao giờ uống cafe muối trước đó. Rất nhiều lần anh muốn nói thật với em nhưng anh sợ… Anh đã tự hứa với mình đó là lần đầu và cũng là lần cuối anh nói dối em. Nếu được làm lại từ đầu, anh vẫn sẽ làm như vậy để được có em và để được uống tách cafe muối em pha hàng ngày trong suốt cuộc đời anh. Anh yêu em”.

Mắt người vợ nhòa đi khi đọc đến những dòng cuối lá thư. Bà gấp bức thư lại và chầm chậm đứng lên, đi pha cho mình một tách cafe muối.

Nguồn:hieuminh.org

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

CỤ THỂ HÓA ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP BẰNG PHÁP LUẬT.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết,nguyên ĐBQH khóa XII.
Một cựu Đại biểu Quốc hội của Việt Nam vừa lên tiếng với BBC cho rằng Quốc hội khóa XIII cần cụ thể hóa việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có phương án sửa điều 4 về vai trò của Đảng Cộng sản.

Trao đổi với Quốc Phương, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên của Quốc hội, đưa ra một mô hình cải cách thể chế, theo đó Trung ương Đảng có thể trở thành Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện.

Theo Giáo sư Thuyết, cần quy định rõ “những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết,” “những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết”, và “những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định” để có thể có “địa chỉ chịu trách nhiệm” cho tất cả các quyết định.

Riêng về Điều 4, liên quan tới vai trò, vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản, GS Thuyết cho rằng nên soạn ra một đạo luật riêng sau khi đã sửa Hiến pháp để người dân biết được “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào.”

Ông Thuyết cũng lưu ý sửa Hiến pháp là một “quy trình phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.”
Ông Nguyễn Minh Thuyết phê phán cách thức xử án ông Cù Huy Hà Vũ

Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng bình luận về vụ xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cũng như phóng sự gần đây của VTV1 và quan điểm của tờ Quân Đội Nhân Dân về nội dung của các blog và ‘báo chí lề trái’ ở trong nước.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng việc kết luận ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, tội đến mức nào, thì việc ấy là việc của Tòa án. Mình không tiếp xúc được đầy đủ với hồ sơ, thì mình cũng khó có thể kết luận.

Nhưng tôi phải nói đây là một vụ án vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối. Từ khi bắt ông ấy ở khách sạn, cho đến việc ra xử sơ thẩm không có tranh tụng và ra đến xử phúc thẩm thì thực chất vẫn không phải là tranh tụng. Bởi vì khi luật sư người ta đưa ra ý kiến, thì cũng phải có sự tranh luận lại. Còn bây giờ mình không tranh luận lại mà mình vẫn kết án theo ý của mình, thì tôi nghĩ cái ấy không đúng với tinh thần cải cách tư pháp.

BBC: Sau phiên xử phúc thẩm với ông Hà Vũ, giáo sư có theo dõi phóng sự 15 phút, phát tối ngày 04 tháng Tám của VTV1 về vụ án hay không?

Việc thông tin một cách chi tiết về một vụ án được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là cần thiết. Nhưng cách thông tin của phóng sự ấy, tôi cho là không ổn.

Nhìn chung, nó nói xấu về đời tư của một người ở trong cuộc, tức là của ông Cù Huy Hà Vũ, nhiều hơn là về lý lẽ để xử ông ta. Và theo tôi, dù là bất kỳ ai, thì mình cũng không thể moi móc về đời tư của họ, hoặc mình nói những điều không liên quan gì đến bản án cả. Tôi không đồng tình. Vì như thế thất lợi nhiều hơn là có lợi.

BBC: Báo Quân Đội Nhân Dân gần đây đăng một số bài, trong đó có một bài so sánh và cho rằng thông tin ở trên các blog và báo chí “lề trái” ở trong nước là “rác rưởi,” ông nhìn nhận như thế nào về cách đặt vấn đề này của tờ báo?

Nói như thế là một cách nói vừa thiếu hiểu biết vừa rất thô lỗ, lạc hậu. Phải nói rằng mạng Internet là một tiến bộ của loài người. Rất nhiều trí thức lớn, rất nhiều nguyên thủ quốc gia có blog. Nếu bây giờ mình gọi tất cả những thông tin ấy là rác rưởi, thì các blog của các nguyên thủ quốc gia có phải là rác rưởi không?

Tôi cho là nói như thế không được. Vả lại những bài báo đó tôi có xem, tôi thấy rằng không có lập luận gì xác đáng cả. Tôi cho đấy là những bài báo đáng xấu hổ.

Cơ cấu đại biểu Quốc hội

BBC: Nay chuyển sang chủ đề về Quốc hội mới, một chủ đề Giáo sư rất quen thuộc, ông bình luận gì về cơ cấu nhân sự của Quốc hội?

Cơ cấu của Quốc hội về cơ bản phản ánh cơ cấu của dân cư. Chuyện về cơ cấu này cũng đã được tính toán kỹ qua các bước hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng quả thật lần này nhìn vào Quốc hội thì thấy số doanh nhân là khá lớn, tức là tới 38 vị. Còn đại diện cho giới văn học, nghệ thuật không có một ai. Một người được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu ra là ông Tổng Thư ký của Liên hiệp ấy cũng không trúng cử.

Tất nhiên, quyền lựa chọn là quyền của dân thôi. Nhưng quả thật, nhìn vào cơ cấu cũng thấy có sự lệch lạc nhất định. Riêng về giới doanh nhân, một khi Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường thì doanh nhân là những nhân vật mới của xã hội. Họ là những người có nhiều đóng góp cho đất nước và do đó họ có quyền được đại diện ở trong cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tức là Quốc hội.

Tuy nhiên, việc có nhiều doanh nhân cũng dễ làm cho người dân băn khoăn là: Liệu các doanh nhân này có thực sự công tâm trong những việc bàn thảo quyết định chính sách hay không? Có thực sự đóng được vai trò của người đại diện nhân dân hay không? Hay là trong lúc bàn bạc, thảo luận sẽ thiên lệch về quyền lợi của giới doanh nghiệp hoặc là về doanh nghiệp của mình?

Tôi cho rằng những sự băn khoăn ấy là những nhắc nhở đối với các đại biểu – doanh nhân. Các đại biểu – doanh nhân phải hoạt động như thế nào đó thật sự công tâm để cho người dân thấy mình thật sự vào Quốc hội là để đại diện cho quyền lợi của nhân dân, của đất nước nói chung, chứ không phải cho cái giới của mình hay cho doanh nghiệp của mình.

BBC: Trong nhiệm kỳ mới lần này của Quốc Hội, có một nội dung được quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp, nhất là trong đó có liên quan tới Điều 4. Liệu điều này có được sửa hay không và nếu sửa thì theo Giáo sư nên sửa như thế nào, theo hướng nào?

Tôi nghĩ cái đó là quyền của các vị Đại biểu Khóa XIII này. Tôi bây giờ là cựu Đại biểu rồi, nên tôi chỉ có thể nói suy nghĩ của mình thôi. Tôi cho là lần này sửa được một cách tương đối chu tất, căn bản thì tốt hơn. Vì không phải mỗi khi muốn là chúng ta cũng có thể mang Hiến pháp ra mà sửa được. Đấy là một quá trình rất phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.

Cho nên khi sửa, theo tôi, cũng phải tính toán để sửa làm sao cho Hiến pháp cô đọng, nhưng thể hiện được xu hướng tiến bộ của xã hội.

Còn riêng về Điều 4, tôi cho là cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân người ta cũng biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào. Và thậm chí cũng nên cụ thể hóa bằng một đạo luật, sau khi Hiến pháp đã được sửa.

BBC: Nếu có thể cụ thể hơn nữa, Điều 4 phải được sửa chi tiết ra sao, thưa ông?

Tốt nhất sau này cần cụ thể hóa bằng một đạo luật. Tôi lấy ví dụ: hiện nay có rất nhiều việc ai cũng biết là do Trung ương Đảng quyết định, sau đó thì đưa ra Quốc hội để thể chế hóa nó bằng pháp luật.

Đại biểu Quốc hội là những người ở trong xã hội do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo và đến 92% các Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản, thì phải chấp hành chủ trương của Đảng.

Nếu như có thể nói cụ thể hơn, tôi lấy ví dụ, có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được, và những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định thì mới được. Tôi nghĩ có quy định một cách rất cụ thể như thế mới có địa chỉ để chịu trách nhiệm về các quyết định. Như thế thì sẽ tốt hơn. Đấy cũng chỉ là một ví dụ thôi.

Thi hành luật

BBC: Những đạo luật, bộ luật hoặc công việc luật pháp nào kỳ này cần được ưu tiên xây dựng, ban hành và công bố, theo Giáo sư?

Nếu nói về hệ thống pháp luật, theo tôi cho đến nay tương đối là đầy đủ. Còn về các quy định của luật cũng đã có những quy định cụ thể, nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung. Trong quá trình xem xét các đạo luật sắp tới, cũng phải sửa làm sao để cho các quy định của luật cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn.

Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc thi hành luật. Vì thực ra cái yếu nhất ở Việt Nam không phải là thiếu các quy định về pháp luật mà là quy trình, quá trình thi hành luật không được nghiêm túc.

Thứ nhất, nhiều khi luật đã ra rồi, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, tức là các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ lại chưa kịp ra, thì luật ấy chưa thi hành được. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Vì luật đã ra rồi, đến thời hạn có hiệu lực pháp luật rồi, thì phải được thi hành. Và lúc ấy phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, còn nếu không, cứ theo luật mà thi hành.

Thứ hai, kể cả khi có nghị định, thông tư rồi, thì việc thi hành luật cũng không được nghiêm chỉnh. Và những người vi phạm luật không phải lúc nào cũng phải chịu chế tài theo đúng quy định của luật. Tôi cho rằng nếu pháp luật đã được ban hành rồi mà không thực thi nó một cách nghiêm chỉnh, dần dần nó sẽ bào mòn thể chế của Nhà nước đi. Và như thế không đảm bảo được sự điều hành của Nhà nước và không đảm bảo được quyền dân chủ của người dân. Đấy là điều đáng quan tâm hơn.

BBC: Là người trực tiếp tham gia nhiều hoạt động và công việc của Quốc hội trong một thời gian dài qua các khóa trước, ông có thể so sánh thế nào về sự lãnh đạo qua các nhiệm kỳ liên quan tới các vị cựu Chủ tịch Quốc hội?

Về cảm tình cá nhân, có thể nói tôi rất có cảm tình với cách điều hành của ông Chủ tịch Nguyễn Văn An. Ông An rất sắc sảo và rất linh hoạt, thường ông cũng rất hay có những ý kiến chêm vào các buổi thảo luận và chất vấn. Những ý kiến đó rất xác đáng. Và qua các ý kiến của ông An, Đại biểu Quốc hội cũng học hỏi được rất nhiều.

Thế còn các vị khác, mỗi người một phong cách. Theo tôi, phong cách của ông Chủ tịch là điều đáng để ý, nhưng thực sự nó không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội lắm đâu. Quan trọng là bản thân các Đại biểu như thế nào.

Tôi lấy ví dụ như là Khóa XI, Chủ tịch Nguyễn Văn An là một vị Chủ tịch rất sắc sảo, năng động. Nhưng người dân có vẻ đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XII cao hơn. Và tôi nghĩ người ta đánh giá cao hơn cũng có lý. Bởi vì khóa sau rút được kinh nghiệm thì phải làm tốt hơn khóa trước. Một số kinh nghiệm mà các đại biểu đã được ông Chủ tịch Quốc hội khóa trước là Nguyễn Văn An huấn luyện, có thể đến khóa sau mới được vận dụng. Đấy cũng là những điều đóng góp làm cho khóa sau tốt hơn.

Tóm lại, tôi cho rằng mỗi vị lãnh đạo có phong cách riêng của mình. Nhưng quan trọng nhất là các đại biểu hoạt động như thế nào và tôi cũng mong là Quốc hội Khóa XIII này sẽ có một bước tiến xa hơn trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình trước người dân.

Nguồn:BBC Vietnamese

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

KHẾ ƯỚC XÃ HỘI.



Đôi lời giới thiệu:

“Khế ước xã hội“ và “Tinh thần pháp luật” như là cặp anh em song sinh làm nền tảng cho nền cộng hòa. Chúng ta ước mong Quốc hội khóa XIII sẽ cải cách Hiến pháp 1992 để tạo nên một Hiến pháp 2011 “dân chủ gấp triệu lần tư sản”, như ngày xưa các lãnh tụ Cộng sản đã tuyên bố thì sướng lắm thay!


Jean Jacques Rousseau (1712-1778)

Khế ước xã hội (Contract Social)

Jean Jacques Rousseau (1712-1778) viết ra Khế ước xã hội và C.Montesquieu (1689-1755) viết Tinh thần pháp luật vào thế kỷ 18 – thế kỷ Ánh sáng Pháp.

Hai vị được gọi là hai nhà lập pháp của Cách mạng tư sản Pháp, cha đẻ của nền cộng hòa.

“Khế ước xã hội” nghĩa là “Bản hợp đồng xã hội” được ký giữa Nhân dân (bên A) và chính quyền (bên B).

Contract social


Khế ước xã hội trong triết học và chính trị học là một học thuyết mô tả việc con người cùng thỏa thuận từ bỏ trạng thái tự nhiên để xây dựng cuộc sống cộng đồng. Về mặt luật pháp, khế ước xã hội thể hiện cụ thể là một tờ khế ước (tức là một bản hợp đồng) trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau.

Lý thuyết về khế ước xã hội lần đầu tiên được nhà triết học chính trị Anh Thomas Hobbes (1588 – 1679) đưa ra khi ông cho rằng con người ban đầu vốn sống ở trạng thái tự nhiên, trong tình trạng vô chính phủ, khi chưa hề có sự cưỡng bức có tổ chức lên mỗi cá nhân. Con người, qua khế ước xã hội, từ bỏ những quyền tự do tự nhiên của mình để được hưởng sự an toàn và trật tự của xã hội văn minh.

Theo Hobbes, con người sơ khai sống thành bầy đàn để cùng chống lại các kẻ thù, nhưng không có gì ràng buộc giữa họ. Quyền sở hữu không tồn tại dẫn đến chuyện tất cả mọi người đều có thể sở hữu tất cả mọi vật. Leviathan, hay trạng thái tự nhiên của loài người cũng là tên tác phẩm để đời của Hobbes, mô tả chính xác một sự hỗn độn vô chính phủ mà theo đó vì xã hội chưa công nhận rạch ròi thế nào là sở hữu cho nên mọi người có thể sẵn sàng gây chiến với người khác để giành lấy cái mình muốn. Xã hội Leviathan, tuy là xã hội tự do tuyệt đối, nhưng chẳng đem lại lợi ích cho bất kỳ ai kể cả kẻ mạnh, vì con người dù mạnh đến đâu cũng không thể đơn độc làm theo ý mình được. Con người buộc phải hy sinh một phần tự do để có thể chung sống với nhau trong hòa bình. Nói cách khác con người buộc phải thống nhất với nhau những nguyên tắc cộng đồng để tránh phải sống nơm nớp trong nỗi lo sợ bảo vệ tính mạng và những gì mình có.

Lý thuyết về khế ước xã hội được John Locke nhà triết học Anh kế thừa và phát triển. Locke xây dựng chi tiết cụ thể từng giai đoạn phát triển từ trạng thái tự nhiên dẫn đến sự hình thành nhà nước qua khế ước xã hội và đi đến quan điểm về chủ quyền của nhân dân đối với nhà nước dù cho đó là nhà nước chuyên chế. Được biết đến trước hết là một nhà triết học theo trường phái duy nghiệm (empiric), Locke cũng là một tư tưởng gia xuất sắc trên lĩnh vực chính trị và xã hội. Locke cố gắng giải thích trước hết quyền sở hữu được con người định nghĩa với nhau thông qua các thỏa hiệp. Bắt đầu từ việc chiếm hữu bằng sức mạnh, con người dần dần tìm cách sở hữu bằng lao động. Một khi vấn đề sở hữu được giải quyết, con người đã có đủ các tiền đề cần thiết để đi đến các thỏa hiệp cao hơn về cuộc sống cộng đồng. Khế ước xã hội chính là bản thỏa hiệp của các thành viên cộng đồng, theo đó một con người sẽ từ bỏ quyền tự do tự nhiên – đổi lại anh ta trở thành một thành viên, được cộng đồng che chở và công nhận. Đối với một quốc gia, nhà nước là tập hợp những người đại diện đứng ra bảo đảm sự tôn trọng bản thỏa ước.

Jean-Jacques Rousseau tiếp tục đi xa hơn khi cho rằng quyền lực phải được trao cho những người đại diện cho ý chí nguyện vọng của quần chúng. Trong tác phẩm “Du Contrat Social”(Khế ước xã hội) Rousseau, tiếp nối tư tưởng của Hobbes, đã mô tả quá trình hình thành các thỏa ước xã hội: một quá trình mà sức mạnh bắt đầu nhường chỗ cho định chế, lực (forces) nhường chỗ cho quyền (hay quyền lực: pouvoir, power). Chính trị ra đời như một nhu cầu tất yếu của loài người để tổ chức xã hội. Đối với một đất nước, Hiến pháp chính là bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, nền tảng cho tất cả các thỏa ước khác của cộng đồng. Thông qua hiến pháp, con người chính thức đánh đổi quyền tự do tự nhiên để trở thành một công dân, chính thức đánh đổi một phần quyền tự do quyết định của mình vào tay một số người cầm quyền (và do đó anh ta trở thành người bị trị) để có được sự che chở của xã hội, đại diện bởi luật pháp. Để cho bản hợp đồng trao đổi này được công bằng, trong Khế ước xã hội cần phải định rõ nguyên tắc lựa chọn người cầm quyền. Nguyên tắc bình đẳng thể hiện ở chỗ ai cũng có thể lên nắm quyền miễn là được đa số thành viên ủng hộ. Về phía người cầm quyền, đối trọng với quyền lực anh ta có, là những ràng buộc về mặt trách nhiệm với cộng đồng. Nếu người cầm quyền không hoàn thành trách nhiệm của mình, bản hợp đồng giữa anh và cộng đồng bị coi như vô hiệu, và cộng đồng phải có quyền tìm ra một người thay thế mới.

Chính những ý tưởng này đã châm ngòi cho cả cuộc Cách mạng Pháp và Mỹ. Thomas Jefferson, một trong những người là Cha đẻ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và bản Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục hoàn thiện lý thuyết khi cho rằng quyền tự nhiên của con người phải là một phần của khế ước xã hội và quyền lực của nhà nước chỉ có thể thực hiện khi xuất phát từ sự đồng thuận của chính những người bị trị.

Nhìn chung, khế ước xã hội thường được nhìn nhận dưới góc độ một xã hội, một quốc gia. Tuy nhiên tư tưởng về khế ước xã hội không hề bị giới hạn ở đó. Chỉ cần có hai người là đã có thể cho ra đời một bản thỏa ước (giữa họ). Doanh nghiệp chính là một trường hợp khác vận dụng tinh thần khế ước. Bản điều lệ doanh nghiệp chính là khế ước xã hội giữa những người góp vốn. Điều lệ doanh nghiệp quy định sự tồn tại, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp, quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên. Giám đốc doanh nghiệp là người đại diện cho doanh nghiệp cũng như Chủ tịch nước là người đại diện cho đất nước, tuy rằng hai bản khế ước này không có cùng quy mô như nhau. Quan điểm chúng ta thường gặp là coi giám đốc doanh nghiệp cũng giống như nhân viên doanh nghiệp. Ông ta bị ràng buộc với doanh nghiệp bằng một hợp đồng lao động và được trả lương cao hơn vì công việc quản lý xứng đáng được trả lương cao hơn. Quan điểm này vấp phải một rào cản vô cùng lớn trong hệ thống luật các nước phát triển, nhất là luật của nước cộng hòa Pháp, quê hương của Rousseau. Khi Tổng thống phạm sai lầm, người ta không sa thải tổng thống như ban quản trị doanh nghiệp sa thải giám đốc. Nếu tinh thần bình đẳng được tôn trọng, nhà nước cũng là một pháp nhân như doanh nghiệp và do đó cần phải có những định chế đặc biệt đối với giám đốc doanh nghiệp trong trường hợp ông ta không thực hiện được bản hợp đồng của mình.

Nguồn:giangnamlangtu.wordpress.com



TAM QUYỀN PHÂN LẬP


Charles Montesquieu (1689-1755).

Đôi lời

Nhân dịp Quốc hội khóa XIII đang bàn việc cải cách Hiến pháp, Giang Nam lãng tử xin giới thiệu một tài liệu gốc vắn tắt của chế độ Pháp quyền. Điều hay nhất mà tôi tâm đắc từ công trình vĩ đại của giới trí thức Pháp, Anh và Mỹ là CHỐNG TẬP TRUNG QUYỀN LỰC. Quyền lực cần phải được phân các nhánh độc lập (chiều ngang) và xác định quyền lực độc lập từ trên xuống dưới (chiều dọc). Mọi quyền lực đều bị ràng buộc với nhau và chỉ tuân theo pháp quyền !

Thuyết “Tam quyền phân lập” được hình thành từ thời cổ đại Hi Lạp, đến thế kỷ 18 Pháp, được hoàn thành trong luận văn “Tinh thần pháp luật” (L’Esprit de loix) của Charles Montesquieu

Chân lý thực là giản dị, hệ thống quyền lực như một tấm vải cần có sợi ngang sợi dọc thì mới bền chắc. Không có một sợi vải đặc biệt nào có khả năng làm chủ được tấm vải ấy. Chỉ có Nhân dân mới giữ quyền lực cao nhất, phán xét và định đoạt cả ba quyền.

Kính gửi quý vị đại biểu quốc hội khóa XIII và bạn đọc quan tâm.



" Tam quyền phân lập " là nội dung của luận văn " Tinh thần pháp luật "


THUYẾT TAM QUYỀN PHÂN LẬP

(từ cổ đại đến hiện đại)

1. Quá trình hình thành

2. Nhận xét

3. Nội dung cơ bản

Tam quyền phân lập (nghiã là phân chia quyền lực ra ba nhánh độc lập) là một khái niệm đã được biết đến từ lâu nhờ sự xuất hiện của các bản Hiến pháp Tư sản, trong đó nổi bật là Hiến pháp Hoa Kỳ. Các quy định trong những bản hiến pháp tạo cơ sở thừa nhận sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tổ chức song song với nhau, và qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia.

Khái niệm này lần đầu được đưa ra bởi nhà nghiên cứu chính trị người Pháp tên Charles de Seconda, tức là Nam tước de Montesquieu. Khái niệm tam quyền phân lập sau này được mở rộng cho cơ chế điều hành đất nước với nhiều hơn hay ít hơn ba nhánh cầm quyền.

1. Quá trình hình thành

Thuyết tam quyền phân lập xuất hiện lần đầu tiên bởi nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp Aristote. Theo Aristote, nhà nước quản lý xã hội bằng 3 phương pháp: luật pháp, hành pháp và phân xử.

Aristote cho rằng, không có loại hình chính phủ nào là duy nhất có thể phù hợp với tất cả các thời đại và các quốc gia. Ông phân chính phủ theo tiêu chuẩn số lượng (số người cầm quyền) và chất lượng (mục đích của sự cầm quyền) . Kết hợp 2 mặt đó, các chính phủ có thể xếp theo 2 loại: chân chính (quân chủ, quý tộc, cộng hoà) và biến chất (độc tài, quán đầu, dân trị)

Bên cạnh Aristote, bàn về thuyết ”tam quyền phân lập” còn có John Locke (1632–1704) là nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh. Theo ông, quyền lực của nhà nước là quyền lực của nhân dân. Nhân dân nhường một phần quyền của mình cho nhà nước qua khế ước. Để chống độc tài phải thực hiện sự phân quyền. Kế thừa tư tưởng phân quyền của Aristote, Locke cho rằng, quyền lực phải phân chia theo 3 lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và liên hợp.

Đến thế kỷ 18, nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp Montesquieu, đã phát triển thuyết tam quyền phân lập trở thành một học thuyết độc lập. Tiếp thu và phát triển tư tưởng về thể chế chính trị tự do, chống chuyên chế, Mongtesquieu xây dựng học thuyết phân quyền với mục đích tạo dựng những thể chế chính trị, đảm bảo tự do cho các công dân.

Theo ông, tự do chính trị của công dân là quyền mà người ta có thể làm mọi cái mà pháp luật cho phép. Pháp luật là thước đo của tự do. Cũng như Aristote và J.Locke, Montesquieu cho rằng, thể chế chính trị tự do là thể chế mà trong đó, quyền lực tối cao được phân thành 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.

* Lập pháp: biểu hiện ý chí chung của quốc gia . Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho Hội nghị đại biểu nhân dân: Quốc hội

* Hành pháp: thực hiện luật pháp đã được thiết lập.

* Tư pháp: trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.

Tư tưởng phân quyền của Mongtesquieu là đối thủ đáng sợ của chủ nghĩa chuyên chế phong kiến và có thể khẳng định ông là người đã phát triển và hoàn thiện thuyết: “tam quyền phân lập”. Học thuyết về sự phân chia quyền lực gắn liền với lí luận về pháp luật tự nhiên đã đóng vai trò quyết định trong lịch sử đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại sự độc đoán, chuyên quyền của nhà vua

Cùng với sự hình thành chế độ tư bản, nguyên tắc “phân chia quyền lực” đã trở thành một trong những nguyên tắc chính của chủ nghĩa lập hiến tư sản, lần đầu tiên được thể hiện trong các đạo luật mang tính hiến định của cuộc Cách mạng Pháp và sau đó thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp Hoa Kỳ 1787. Học thuyết pháp luật- chính trị (thuyết “phân quyền”) với quyền lực nhà nước được hiểu không phải là một thể thống nhất, mà là sự phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau. Trên thực tế, việc phân chia quyền lực trong bộ máy nhà nước được áp dụng khác nhau trong hệ thống các nước cộng hoà tổng thống, theo nguyên tắc “kiềm chế và đối trọng”, tức là các quyền kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tạo ra sự cân bằng giữa các quyền.

2. Nhận xét

Trước khi có chế độ dân chủ tư sản, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào trong tay một cá nhân. Chính đây là căn nguyên cho mọi hành vi độc tài, chuyên chế của các công việc nhà nước. Vì vậy, muốn chống chế độ này, một lý thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết phân chia quyền lực.

Cội nguồn của tư tưởng phân quyền đã có từ thời cổ đại ở Phương Tây mà điển hình là nhà nước Athens và cộng hòa La Mã. Tư tưởng phân quyền trong xã hội Hy Lạp cổ đại đã có mầm mống từ Aristote. Ông đã quan niệm rằng trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có những yếu tố bắt buộc: cơ quan làm ra luật có trách nhiệm trông coi việc nước, các cơ quan thực thi pháp luật và các tòa án, từ đó ông chia hoạt động nhà nước thành ba thành tố: nghị luận, chấp hành và xét xử. Tuy nhiên, tư tưởng của Aristote mới chỉ dừng ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, chứ chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ bên trong giữa các thành tố đó.

Những tư tưởng phân quyền sơ khai trong thời cổ đại được phát triển thành học thuyết ở Tây Âu vào thế kỷ 17 – 18, gắn liền với hai nhà tư tưởng lớn là John Locke và C.L. Montesquieu.

John Locke (1632 – 1704), một nhà triết học người Anh, ông là người đầu tiên khởi thảo ra thành hệ thống lý luận hoàn chỉnh về học thuyết phân quyền, và được thể hiện trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về Chính quyền”. Về quyền lực nhà nước, ông cho rằng “chỉ có thể có một quyền lực tối cao, là cơ quan lập pháp, mà tất cả các quyền lực còn lại là, và phải là, những cái phụ thuộc vào nó”. Theo đó, có thể thấy Locke đồng nhất quyền lực nhà nước với quyền lập pháp.

Ông chia quyền lực nhà nước thành các phần: lập pháp, hành pháp và liên minh. Theo đó, quyền lập pháp là quyền lực cao nhất trong nhà nước, và phải thuộc về nghị viện; nghị viện phải họp định kỳ thông qua các đạo luật, nhưng không thể can thiệp vào việc thực hiện chúng. Quyền hành pháp phải thuộc về nhà vua. Nhà vua lãnh đạo việc thi hành pháp luật, bổ nhiệm các chức vị, chánh án và các quan chức khác. Hoạt động của nhà vua phụ thuộc vào pháp luật và vua không có đặc quyền nhất định nào với nghị viện nhằm không cho phép vua thâu tóm toàn bộ quyền lực về tay mình và xâm phạm vào các quyền tự nhiên của công dân. Nhà vua thực hiện quyền liên minh, tức là giải quyết các vấn đề chiến tranh, hòa bình và đối ngoại.

Những luận điểm phân quyền của J.Locke đã được nhà khai sáng người Pháp, C.L. Montesquieu (1689 – 1775) phát triển. Montesquieu đã phát triển một cách toàn diện học thuyết phân quyền, và sau này khi nhắc tới thuyết phân quyền người ta nghĩ ngay đến tên tuổi của ông.

Montesquieu kịch liệt lên án chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp lúc bấy giờ. Chế độ quân chủ chuyên chế là một tổ chức quyền lực tồi tệ, phi lý, vì: nhà nước tồn tại vốn biểu hiện của ý chí chung, nhưng trong chế độ chuyên chế nó lại biểu hiện ý chí đặc thù; chế độ chuyên chế với bản chất vô pháp luật và nhu cầu pháp luật. Montesquieu nhận thấy pháp luật gồm nhiều lĩnh vực, phân ngành rõ rệt, cho nên tập trung vào một người duy nhất là trái với bản chất của nó; gắn với bản chất chế độ chuyên chế là tình trạng lạm quyền. Vì vậy việc thanh toán hiện tượng lạm quyền chỉ có thể là đồng thời, là sự thanh toán chế độ chuyên chế. Theo Montesquieu, một khi quyền lực tập trung vào một mối, kể cả một người hay một tổ chức, thì nguy cơ chuyên chế vẫn còn.

Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (The Spirit of Law), Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực và khẳng định: “Trong bất cứ quốc gia nào đều có ba thứ quyền: quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự.” Ta có thể nhận ra sự tiến bộ trong tư tưởng phân quyền của Montesquieu so với tư tưởng của Locke, khi tách quyền lực xét xử – quyền tư pháp ra độc lập với các thứ quyền khác.

Từ đó, Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, thanh toán nạn lạm quyền, để chính quyền không thể gây hại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho nhân dân. Montesquieu đã viết: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết.”

Tóm lại, theo Montesquieu, cách thức tổ chức nhà nước của một quốc gia là: “Cơ quan lập pháp trong chính thể ấy gồm có hai phần, phần này ràng buộc phần kia do năng quyền ngăn cản hỗ tương. Cả hai phần sẽ bị quyền hành pháp ràng buộc và quyền hành pháp sẽ bị quyền lập pháp ràng buộc.”

Tư tưởng của Montesquieu tuy vẫn còn điểm hạn chế là bảo thủ phong kiến, đòi hỏi đặc quyền cho tầng lớp quý tộc. Nhưng nó vẫn là nền móng cho tư tưởng phân chia quyền lực sau này, có ảnh hưởng sâu sắc đến những quan niệm sau này về tổ chức nhà nước cũng như thực tiễn tổ chức của các nhà nước tư bản. Ví dụ như đa số Hiến pháp của các nhà nước tư bản hiện nay đều khẳng định nguyên tắc phân quyền như một nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức quyền lực nhà nước. Như điều 10 Hiến pháp liên bang Nga quy định: “Quyền lực nhà nước ở Liên bang Nga được thực hiện dựa trên cơ sở của sự phân quyền thành các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp phải độc lập.” Điều 1 của Hiến pháp Ba Lan cũng trực tiếp khẳng định việc tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân chia quyền lực thành ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tiếp nối Montesquieu, J.J. Rousseau cùng với tác phẩm “Khế ước xã hội,” đã đưa ra những quan điểm rất mới mẻ và tiến bộ về sự phân chia quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

JJ. Rousseau (1712 – 1778) chủ trương nêu cao tinh thần tập quyền, tất cả quyền lực nhà nước nằm trong tay cơ quan quyền lực tối cao tức toàn thể công dân trong xã hội. Nhưng ông lại chỉ ra rằng phân chia quyền lực nhà nước thành quyền lập pháp và quyền hành pháp, giao chúng vào tay cơ quan quyền lực tối cao và chính phủ là cách thức hợp lý duy nhất để đảm bảo sự hoạt động có hiệu quả cho nhà nước, cũng như ngăn chặn được xu hướng lạm quyền. Ngoài ra ông còn nêu lên vai trò quan trọng của cơ quan tư pháp trong việc đảm bảo cho sự hoạt động ổn định của nhà nước, cũng như cho sự cân bằng giữa các vế cơ quan quyền lực tối cao, chính phủ và nhân dân. Nhưng cách phân quyền của Rousseau không giống với Locke và Montesquieu, bởi ông luôn khẳng định một điều duy nhất rằng: “những bộ phận quyền hành được chia tách ra đều phụ thuộc vào quyền lực tối cao” và “mỗi bộ phận chỉ thực hiện ý chí tối cao đó” mà thôi.

3. Nội dung cơ bản

Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra.

Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền, và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Sau này, trong một bức thư gửi cho một người cùng thời, ông Samuel Kercheval, Thomas Jefferson, tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, đã chỉ rõ thêm của sự phân quyền không đơn thuần chỉ diễn ra ở một chiều ngang, mà còn cần thiết ở cả chiều dọc, và ở bất cứ lĩnh vực nào của nhà nước.

Sự “phân quyền” mà Jefferson đã mô tả như sau:

1* Phân bổ quyền lực chính quyền giữa các nhánh riêng rẽ của chính quyền.

2* Sự phân chia các quyền lực đó theo một cách thức sao cho chức năng của một nhánh chính quyền trong một vấn đề cụ thể thì bị giới hạn bởi chức năng của một nhánh khác có thẩm quyền về cùng vấn đề ấy hoặc về một vấn đề khác có liên quan. Thường được gọi là: “các biện pháp kiểm soát và đối trọng quyền lực lẫn nhau” (“checks and balance”). Về cốt lõi, đây là một hệ thống nằm ngay bên trong chính quyền nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính quyền, được gọi là kiểm tra, giám sát bên trong. Vì sự kiểm tra này tạo ra một cơ chế mặc nhiên ai nắm và được phân công sử dụng quyền lực nhà nước cũng phải bị kiểm tra, theo nguyên tắc phòng ngừa, còn cơ chế kiểm tra được tiến hành từ bên ngoài hầu như chỉ được tiến hành một khi đã có hậu quả xảy ra.

3* Khía cạnh thứ ba của sự phân bổ này là sự phân chia quyền lực của chính quyền theo ngành dọc theo cách thức sao cho mỗi một nhiệm vụ của chính quyền được giao cho đơn vị nào nhỏ nhất, cơ sở nhất trong chính quyền mà có thể đảm trách được nhiệm vụ đó.

(rút trích Luận văn 316 trang)

Biên tập rút gọn: PHN
Nguồn:giangnamlangtu.wordpress.com

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

VÌ MỘT XÃ HỘI VĂN MINH.

Sự xấu hổ

Ba tuần lễ trôi qua kể từ cái ngày 17/7 nặng nề ấy.Bao nhiêu ngôn từ đã bình phẩm về cái bàn chân bỗng dưng đặt ngay mặt người dân yêu nước.Ý kiến của các nhân sĩ,trí thức,các trang mạng “lề trái”,các đài nước ngoài phê phán.Và một vị trong tứ trụ yêu cầu xem clip.Rồi phát biểu trong cuộc họp báo của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh.Kết quả là hai cuộc biểu tình phản đối sự ngang ngược của nhà cầm quyền Trung quốc ngày 24/7 và 7/8 hôm nay đã diễn ra với những ứng xử văn minh từ phía người biểu tình và lực lượng cảnh sát,an ninh.

Một cuộc biểu tình đẹp đến từng xen-ti-mét cho cả hai bên

Còn quá sớm để có thể nói đến một sự thay đổi tận gốc rễ tác phong, hành vi, ứng xử đối với dân của đội ngũ thực thi và bảo vệ pháp luật mà vốn dĩ phải có trong một xã hội văn minh.Nhưng dù sao những tín hiệu này cũng cho thấy có một sự thay đổi về nhận thức.
Thứ nhất là nhận thức được bản chất của 09 cuộc biểu tình vừa qua.Thực sự đó chỉ là hành vi biểu thị lòng yêu nước.Đơn thuần là lòng yêu nước, đồng cảm trước những đau thương, mất mát của đồng bào ngư dân, và phản ứng lại những đòi hỏi quá đáng của Trung quốc về chủ quyền biển đảo của Việt nam, cái chủ quyền mà bao thế hệ cha ông ta,và mới đây là gần 150 người con Việt đã dũng cảm ngã xuống trong cuộc chiến không cân sức để giành lại.Không có thế lực phản động nào giật dây, kích động, vì lòng yêu nước không cần đến sự kích động.

Đẹp biết bao.

Thứ hai là nhận thức được cái thái độ cần phải có của một nhân viên công lực trong một xã hội hiện đại (chưa dám nói là văn minh).Hành vi đạp vào mặt người trong tự thế bị túm chân túm cẳng như vậy chỉ có thể có trong thời nô lệ hay phong kiến, khi mà phẩm giá con người không hơn một phút buồn vui ngẫu hứng của các đấng ông chủ.Bác Hồ dạy “…đối với kẻ địch phải cương quyết,khôn khéo” .Với kẻ địch mà còn phải khôn khéo khi cương quyết trấn áp, huống hồ gì đối xử với người dân, mà lại một người dân hiền lành chỉ muốn biểu thị lòng yêu nước.Bao nhiêu cặp mắt từ năm châu bốn biển nhìn vào hình ảnh ấy, họ sẽ nghĩ gì về xã hội Việt nam, đất nước con người Việt nam?
Thứ ba là nhận thức về việc biểu thị lòng yêu nước của người dân. Chắc chắn rằng vị thế của Việt nam trên trường quốc tế sẽ không giảm đi vì những cuộc biểu tình tuần hành diễn ra trong sự ôn hòa,văn minh lịch sự từ phía người biểu tình cũng như lực lượng cảnh sát như thế, nếu không nói là được nâng cao hơn.Bạn bè vị nể ta, kẻ thù cũng phải e dè ta, vì đằng sau chính phủ ấy, đội quân ấy là cả một khối đoàn kết của cả một dân tộc đang sục sôi vì sự toàn vẹn của Tổ quốc.

Duyên dáng Việt Nam

Mặt khác, về phía người biểu tình, cũng nên tiếp tục phát huy cái tinh thần ấy, cách ứng xử ấy, không để một số xung động tình cảm quá khích chen vào làm mất đi sự ôn hòa.Mục đích chính kiến rõ ràng, tuần hành trong trật tự, không cản trở giao thông không cần thiết, tất yếu sẽ lấy được thiện cảm của lực lượng cảnh sát, mà đa phần họ ( lòng yêu nước chưa hẳn đã kém) cũng chỉ vì công vụ mà phải làm.Có vậy thì những cuộc biểu tình tuần hành mới thực sự thành công hoàn hảo theo nghĩa win – win.
Đó cũng là một phương thức để xã hội dần đi đến sự văn minh, hiện đại.