Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

LIÊN HIỆP QUỐC-CÁI GÌ VẬY?

Minh Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị ( INTERNATIONAL COVENANT ON CIVIL AND POLITICAL RIGHTS – PACTE INTERNATIONAL RELATIF AUX DROITS CIVILS ET POLITIQUES ) được công bố trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc 16 tháng 12 năm 1966. Việc “phân biệt đối xử – discrimination” được qui định rõ rệt qua điều ước thứ 26 của. Nguyên văn – Anh và Pháp ngữ –như sau :

Điều 26 ( Article 26 ):

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.

All persons are equal before the law and are entitled without any discrimination to the equal protection of the law. In this respect, the law shall prohibit any discrimination and guarantee to all persons equal and effective protection against discrimination on any ground such as race, colour, sex, language, religion, political or other opinion, national or social origin, property, birth or other status.

Toutes les personnes sont égales devant la loi et ont droit sans discrimination à une égale protection de la loi. A cet égard, la loi doit interdire toute discrimination et garantir à toutes les personnes une protection égale et efficace contre toute discrimination, notamment de race, de couleur, de sexe, de langue, de religion, d’opinion politique et de toute autre opinion, d’origine nationale ou sociale, de fortune, de naissance ou de toute autre situation.

Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945, sau những tàn phá của thế chiến đệ nhị, với mục đích “cứu những thế hệ sau này khỏi đại nạn chiến tranh”.

Sứ mạng của tổ chức này nhằm đảm bảo hoà bình và an ninh quốc tế cũng như thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các nước.

Hiến chương Liên Hiệp Quốc bảo vệ các quyền của con người và đề xuất rằng các nhà nước nên hợp tác cùng nhau để vượt qua những thách thức về xã hội, kinh tế, văn hoá và các vấn đề về con người.

Lịch sử

Tổ chức tiền nhiệm của Liên Hiệp Quốc, là Hiệp hội các Quốc gia, được thành lập sau Thế chiến thứ nhất, vốn diễn ra từ năm 1914 đến 1918.

Tổ chức này hướng tới việc ngăn ngừa các cuộc xung đột toàn cầu; tuy nhiên nó đã không ngăn chặn được xu thế của chiến tranh hồi thập niên 1930 và bị giải tán vào năm 1946.

Đa phần cơ cấu cũng như các mục tiêu của tổ chức này sau đó được Liên Hiệp Quốc lấy làm của mình.

Năm 1944, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên bang Soviet và Trung Quốc gặp gỡ tại Washington và nhất trí một kế hoạch sẽ thành lập một tổ chức cho thế giới.

Bản kế hoạch này tạo ra cơ sở cho các cuộc thảo luận năm 1945 giữa các đại diện từ 50 nước trên thế giới. Theo các điều kiện và Hiến chương được đưa ra sau đó, tổ chức Liên Hiệp Quốc được chính thức thành lập vào ngày 24/10/1945.

Thành viên

Tổ chức Liên Hiệp Quốc bao gồm 192 quốc gia thành viên.

Montenegro là thành viên mới nhất, gia nhập Liên Hiệp Quốc vào tháng 6/2006. Số lượng thành viên gia tăng khi các thuộc địa được độc lập và Liên bang Soviet tan rã.

Vatican và Đài Loan vẫn chưa phải là thành viên Liên Hiệp Quốc.

Đa phần các thành viên có phái đoàn thường trực tại trụ sở chính của Liên Hiệp Quốc ở New York.

Các thành viên tiềm năng là do Hội đồng Bảo an khuyến nghị và sẽ được chấp thuận nếu nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ từ Đại hội đồng.

Các quốc gia thành viên đóng góp chi phí hoạt động cho Liên Hiệp Quốc. Mức đóng góp của mỗi quốc gia được đánh giá bằng khả năng thanh toán của nước đó. Hoa Kỳ là nước đóng tiền nhiều nhất cho Liên Hiệp Quốc.

Cơ cấu

Đại hội đồng

Đại hội đồng là diễn đàn tranh luận chính của Liên Hiệp Quốc. Đó là cơ quan duy nhất của Liên Hiệp Quốc có đại diện từ tất cả các quốc gia thành viên. Mỗi nước thành viên có một phiếu biểu quyết.

Các thành viên có thể thảo luận về bất cứ chủ đề gì trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, từ an ninh quốc tế tới ngân sách Liên Hiệp Quốc. Đại hội đồng có thể đưa ra những khuyến nghị dựa trên những cân nhắc. Tuy nhiên, nó không có quyền bắt buộc các nước phải thực hiện những khuyến nghị này.

Đại hội đồng có thể chuẩn thuận đưa ra những “tuyên bố”, nhằm phản ánh mức độ quan ngại hay quyết tâm cao của các thành viên.

Về những vấn đề chủ chốt – trong đó có an ninh quốc tế – người ta cần có 2/3 số phiếu ủng hộ mới có thể ra được nghị quyết.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thường nhóm họp ba tháng trong một năm, từ giữa tháng Chín, và có thể có những phiên họp đặc biệt hay khẩn cấp. Phiên họp thường niên thường bắt đầu với phần “tranh luận chung” mà tại đó, mỗi nước phải đưa ra ý kiến của họ về các sự kiện trên thế giới.

Đa phần các vấn đề của đại hội đồng là do sáu uỷ ban chính giải quyết. Đại hội đồng sau đó phê chuẩn hoặc bác bỏ những khuyến nghị của các uỷ ban này.

Hội đồng Bảo an

Hội đồng Bảo an có nhiệm vụ đảm bảo hoà bình và an ninh thế giới. Hội đồng Bảo an có 5 thành viên thường trực, là Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

10 quốc gia khác được nhận chức thành viên Hội đồng Bảo an tạm thời trên cơ sở luân phiên.

Hội đồng Bảo an có thể áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế và có thể cho phép việc sử dụng vũ lực tại các cuộc xung đột.

Cơ quan này còn giám sát các hoạt động gìn giữ hoà bình tại nhiều nơi.

Hội đồng Kinh tế Xã hội

Hội đồng này dẫn dắt các hoạt động của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề kinh tế, xã hội, con người và văn hoá.

Cơ quan này giám sát công việc của các ủy ban xử lý về nhân quyền, tăng trưởng dân số, công nghệ và dược phẩm cùng các vấn đề khác.

54 thành viên của hội đồng này là do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bầu ra.

Toà Tư pháp Quốc tế

Toà án này là cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc và có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp pháp lý do các quốc gia đưa ra. Toà này có trụ sở tại thành phố Hague ( La Haye ) của Hà Lan.

15 thẩm phán của toà do Đại Hội đồng và Hội đồng Bảo an bầu ra.

Các quyết định của toà mang tính bắt buộc, mặc dù đôi khi một số nước không chấp nhận phán quyết của toà.

Ban Thư ký

Ban Thư ký hoạt động hàng ngày tại Liên Hiệp Quốc, điều khiển các chương trình và chính sách của tổ chức này.

Công việc của họ bao gồm nghiên cứu, dịch thuật và giao tế với truyền thông.

Có khoảng 9000 nhân viên từ 170 quốc gia hoạt động trong Ban Thư ký.

Hội đồng uỷ trị

Hội đồng này điều hành các vùng lãnh thổ uỷ thác của Liên Hiệp Quốc. Nó ngừng hoạt động vào năm 1994 khi vùng lãnh thổ ủy thác cuối cùng, là Palau tại nam Thái Bình Dương, được độc lập.

Hội đồng này, gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nhất trí vào năm 1994 rằng họ sẽ nhóm họp “khi điều kiện yêu cầu”.

Hệ thống Liên Hiệp Quốc

14 cơ quan độc lập tạo nên “hệ thống Liên Hiệp Quốc” cùng với rất nhiều chương trình và cơ quan khác của tổ chức này.

Các cơ quan độc lập bao gồm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới. Họ liên hệ với Liên Hiệp Quốc bằng những hiệp định hợp tác.

Các cơ quan và chương trình lớn của Liên Hiệp Quốc bao gồm :

- Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế, IAEA, chuyên theo dõi về nguyên tử, có trụ sở tại Vienna.

- Toà Hình sự Quốc tế cho cựu Nam Tư, được thành lập để xét xử các nghi phạm tội ác chiến tranh của Nam Tư cũ, có trụ sở tại thành phố Hague ( La Haye ).

- Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, Unicef, quan tâm tới sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

- Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, UNDP, cam kết giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy việc điều hành dân chủ.

- Tổ chức Văn hoá, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc, Unesco, có trụ sở tại Paris, hướng tới việc thúc đẩy hòa bình và phát triển thông qua giáo dục, khoa học, văn hoá và thông tin.

- Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc, Unep, có trụ sở tại Nairobi, thúc đẩy việc bảo vệ môi trường.

- Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, UNHCR, bảo vệ quyền và phúc lợi của người tị nạn, có trụ sở tại Geneva.

- Chương trình Lương thực Thế giới, có trụ sở tại Rome, “là cơ quan đi đầu trong cuộc chiến chống đói”.

Lãnh đạo

Tổng Thư ký : Ban Ki-moon

Ban Ki-moon, cựu Ngoại trưởng Nam Hàn, lên nhậm chức Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc vào ngày 1/1/2007.

Ông Ban nói ông sẽ là “người xây cầu” để tìm cách khôi phục lại lòng tin của mọi người vào một Liên Hiệp Quốc “năng động và dũng cảm”. Ông đã xác định Trung Đông, Sudan và Bắc Hàn là những ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Ban Ki-moon là Tổng Thư ký người châu Á đầu tiên trong 35 năm nay.

Ông sinh năm 1944 ở tỉnh Chungju của Nam Hàn và học về quan hệ quốc tế tại đại học Seoul. Ông từng làm trong phái đoàn Liên Hiệp Quốc của Nam Hàn trước khi tham gia chính phủ.

Ông lên thế chỗ cho ông Kofi Annan, là người Ghana. Ông Annan lên làm Tổng Thư ký thứ 7 của Liên Hiệp Quốc vào năm 1997. Ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai vào năm 2001.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 192 thành viên bầu ra Tổng Thư ký với nhiệm kỳ 5 năm, có thể gia hạn. Chức vụ này thường được dành cho các ứng viên từ những nước nhỏ, trung lập.

Các vấn đề

Cuộc chiến do Mỹ cầm đầu tại Iraq năm 2003 – được tiến hành mà không được sự cho phép của Hội đồng Bảo an – đã đưa tới những dự đoán về hồi cáo chung của Hội Đồng Bảo An cũng như hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Tổng Thư ký Kofi Annan cảnh báo rằng những vụ tấn công phủ đầu như thế có thể “tạo ra tiền lệ dẫn tới việc phổ biến cách hành xử vũ lực đơn phương và phi pháp”.

Ông Annan còn nói rằng Liên Hiệp Quốc có thể có phản ứng quân sự đơn phương bằng cách chứng tỏ rằng họ phản hồi một cách tập thể tới những mối quan ngại về an ninh của các nước đơn lẻ.

Việc đưa ra hành động phủ đầu cho thấy sự tách biệt khỏi bản hiến chương, vốn luôn ủng hộ việc kiểm soát các mối đe dọa thông qua biện pháp kiềm chế và phòng ngừa.

Gìn giữ hòa bình

Liên Hiệp Quốc ngày càng có lối tiếp cận mang tính can thiệp kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh – là thời gian đối đầu căng thẳng giữa khối Soviet và phương Tây, vốn phủ bóng lên bốn thập kỷ đầu hoạt động của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, cho dù có những thành công trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, các hoạt động tại Bosnia, Rwanda và Somalia có nhiều sai phạm và đã không ngăn ngừa được các vụ thảm sát và thậm chí diệt chủng.

Một bản phúc trình năm 2000 chỉ trích việc Liên Hiệp Quốc luôn nhấn mạnh tới sự trung lập trong những tình huống mà một bên liên quan thường sử dụng bạo lực. Báo cáo này cảnh báo rằng hành động đó có thể khiến sứ mạng của Liên Hiệp Quốc không hiệu quả.

Biểu tượng cành olive xanh trắng của Liên Hiệp Quốc cũng không giúp đảm bảo có được sự an toàn. Hơn 1500 lính gìn giữ hòa bình đã bị giết kể từ thời kỳ đầu của Liên Hiệp Quốc đến nay.

Quyền lực

Việc chia sẻ quyền lực tại Liên Hiệp Quốc, đặc biệt tại Hội đồng Bảo an, thường được tranh luận sôi nổi. Những người chỉ trích nói việc 5 thành viên thường trực có ảnh hưởng mang tính quyết định là không công bằng.

Ông Kofi Annan mô tả cấu trúc của Hội đồng Bảo an là lỗi thời. Các nước lớn trong Hội đồng Bảo an thường phản đối việc trao thêm quyền lực cho Đại hội đồng.

Tham nhũng

Liên Hiệp Quốc bị chỉ trích mạnh vào năm 2005 khi một cuộc điều tra về chương trình đổi dầu lấy lương thực dưới thời Saddam Hussein tại Iraq phát hiện ra rằng chương trình này đã bị quản lý sai và lan tràn tham nhũng. Cuộc điều tra chỉ trích Tổng Thư ký đã không giám sát chương trình một cách đầy đủ.

Các hoạt động gìn giữ hoà bình cũng thường bị cáo buộc là có gian lận và một số lính gìn giữ hòa bình bị buộc tội lạm dụng tình dục.

Tiền bạc

Bị ảnh hưởng vì khủng hoảng tài chính trong nhiều năm, Liên Hiệp Quốc ngày càng chịu áp lực phải cắt giảm chi phí và tinh giản bộ máy cồng kềnh.

Nhiều quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc hiện còn đang nợ tổ chức này hàng tỉ dollar.

Các Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc

- 1946 - 1952 : Trygve Lie, Na Uy.

- 1953 - 1961 : Dag Hammarskjold, Thụy Điển.

- 1961 - 1971 : U Thant, Miến Điện.

- 1972 - 1981 : Kurt Waldheim, Áo.

- 1982 - 1991 : Javier Perez de Cuellar, Peru.

- 1992 - 1996 : Boutros Boutros-Ghali, Ai Cập.

- 1997 - 2006 : Kofi Annan, Ghana.

- 2007 - .... : Ban Ki-moon, Hàn Quốc.

TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN

LỜI MỞ ĐẦU

Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,

Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng , được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,

Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,

Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,

Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,

Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,

Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.

Vì vậy, ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ.

Điều 1:

Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.

Điều 2:

Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.

Điều 3:

Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.

Điều 4:

Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ.

Điều 5:

Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.

Điều 6:

Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.

Điều 7:

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.

Điều 8:

Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.

Điều 9:

Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.

Điều 10:

Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.

Điều 11:

1. Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ. 2. Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.

Điều 12:

Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.

Điều 13:

1. Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia. 2. Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.

Điều 14:

1. Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác. 2. Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 15:

1. Ai cũng có quyền có quốc tịch. 2. Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

Điều 16:

1. Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn. 2. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn. 3. Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.

Điều 17:

1. Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác. 2. Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.

Điều 18:

Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

Điều 19:

Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

Điều 20:

1. Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình. 2. Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.

Điều 21:

1. Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn. 2. Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước. 3. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.

Điều 22:

Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.

Điều 23:

1. Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp. 2. Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử. 3. Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác. 4. Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 24:

Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.

Điều 25:

1. Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn. 2. Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.

Điều 26:

1. Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn. 2. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình. 3. Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.

Điều 27:

1. Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy. 2. Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.

Điều 28:

Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

Điều 29:

1. Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. 2. Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn. 3. Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

Điều 30:

Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét