Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

5 ĐỨA TRẺ VÀ MỘT BẦY THIẾU GIA.

Thủy Phù. Năm 1994, bọn mình, khi ấy là sinh viên Y5 Đại học Y Huế, về thực tập môn Y học xã hội (điều tra về cái gì thú thực giờ cũng không nhớ, hồi đi học chúa ghét mấy môn này). Một buổi trưa ngồi trong quán café nhìn ra, phía trước là con sông nhỏ, vài ba cái ghe của dân nốt. Một bà đang ngồi khâu vá,bên cạnh là đứa bé khoảng 1 tuổi bò lổm ngổm dưới cái nóng gay gắt miền Trung.Bỗng cả đám sinh viên hét lên vào nháo nhào chạy xuống bờ sông chỉ trỏ. Đứa nhỏ rơi đánh tõm xuống nước, lóp ngóp.Tụi sinh viên xanh mắt mèo trong khi bà mẹ thản nhiên thò tay xuống tóm cổ nó lên, vỗ vỗ cho mấy cái coi như không có gì xảy ra…Sau này chuyện đó mình vẫn thường kể lại cho cả nhà nghe như hoài niệm về một thời xa lắm của một miền quê nghèo…


Đám tang 5 đứa trẻ nghèo Thủy Phù

Vậy mà trưa nay…Báo Pháp luật thành phố đưa tin:

“Trời Huế ngày 29-7 buồn, âm u đến lạ. Con đường đất đỏ vào thôn 8B, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) đâu đâu cũng nghe tiếng than khóc…
Câu chuyện tang thương của thôn 8B bắt đầu từ chiều 28-7, khi cả làng nghe tiếng khóc ngất trời từ gia đình anh Nguyễn Văn Minh (39 tuổi). Anh Minh khóc vì phát hiện ba đứa con ruột của mình và hai đứa nhỏ hàng xóm chết đuối trong hồ ao mà anh mới đào được ba ngày.
Trước đó, khoảng 15 giờ, vợ chồng anh Minh đi làm ruộng nên dặn ba đứa con anh là Nguyễn Thị Cẩm Vân (11 tuổi) cùng hai em là Nguyễn Thị Phương Nga (tám tuổi), Nguyễn Văn Thăng (năm tuổi) ở nhà chơi ngoan. Nhà hết gạo, vợ anh Minh dặn dò bé Vân qua nhà hàng xóm mượn gạo về nấu cơm.
“Con bé lớn nghe lời mẹ qua nhà anh Nguyễn Văn Tuyến mượn ba lon gạo rồi rủ hai đứa con gái nhỏ của anh Tuyến sang nhà mình. Mượn được gạo nhưng nhà không có nước nấu nên tụi nhỏ mới ra ngoài ao chơi. Rồi sau đó cả năm đứa cùng bị trượt chân ngã” - người thân của ba chị em nhà Cẩm Vân kể lại.
Đến 19 giờ, vợ chồng anh Minh về vẫn không thấy con, tưởng con đi chơi xa, anh chị đi tìm. Tìm hoài không thấy con, anh Minh chỉ nhìn thấy hai đôi dép và chiếc hình mặt người bằng đất dang dở còn trên bờ ao. Nghi có chuyện không lành, anh Minh lao xuống ao thì thấy các con mình đã nằm co cụm dưới đáy hồ. Mỗi bàn tay đều co quắp lại, người ta bảo là do tay bám víu lấy bàn tay…”


Năm đứa trẻ, ít nhất trong đó có ba đứa chưa được ăn cơm tối, nồi cơm từ ba lon gạo đi mượn.
Thời mình đi thực tập, Hương Thủy còn là huyện,một huyện nghèo đói của tỉnh Thừa Thiên Huế.Lẽ nào 17 năm rồi, là thị xã rồi,bao nhiêu là tăng trưởng GDP, bao nhiêu là thành – công - đột - phá - đáng - khích - lệ,bao nhiêu bước - được - tiến - lên,bao nhiêu cái - được - đẩy - mạnh qua bao nhiêu kỳ đại hội các cấp,mà vẫn còn những đứa - trẻ - chết - chưa - được - ăn - cơm – đi - mượn hay sao?
Trong khi đó thì:


Những cuộc ăn chơi trác táng của các thiếu gia

“Trở lại cái đận đua xe bất thành ấy, công tử phố núi và công tử Sài thành trở nên hằm hè nhau trong mọi chuyện. Vào vũ trường, công tử phố núi gọi chai rượu giá dăm triệu, thì công tử Sài thành bĩu môi, gọi chai đắt hơn để lau giày. Chạm nhau ở quán bar ăn khuya trên đường Nguyễn Trãi, vừa nhác thấy bóng công tử Sài thành, công tử phố núi lập tức bao hết các bàn trống để công tử sài thành vào thế đi thì mất mặt, đi vào thì chỉ biết.. cãi nhau với nhân viên.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là chuyện công tử Sài thành chỉ mặt công tử phố núi quát lên: “Mày giỏi thì mang vàng ra chọi sóng với tao”. Cái chuyện mang vàng ra chọi sóng trước đây, dân chơi tại thành phố lâu lâu cũng làm một lần. Nhưng, những lần ấy so với hai công tử chỉ là lặt vặt.

Đúng hẹn, công tử Sài thành và công tử phố núi gặp nhau ở khu bờ sông Thanh Đa. Phía sau hai công tử toàn là các chiến hữu, phía công tử Sài thành áp đảo hơn bởi các tiểu đại gia liên tục hò hét khiêu khích. Phía công tử phố núi chỉ có mỗi công tử và cô người mẫu trầm ngâm soạn tin nhắn điện thoại, có vẻ như không quan tâm đến màn “đấu vàng” của hai công tử. Từng khoen vàng được trọng tài định giá trị tương đương nhau rời tay của hai công tử lặn mất tăm dưới dòng nước đục ngàu của con sông Sài Gòn chảy vào địa phận bán đảo Thanh Đa.

Tới khoen vàng thứ... vài chục, công tử phố núi phủi tay, nhìn công tử Sài thành không nói gì. Tưởng “cái thằng ở rừng” đã nhát tay, công tử Sài thành chưa kịp lên lớp thì đột nhiên, công tử phố núi rút từ túi quần ra cái đi động Vertu, giá trên 20 nghìn USD nhẹ nhàng ném xuống dòng sông rồi cười lớn bỏ lên xe hơi với người đẹp đi thẳng. Công tử sài thành đứng ngẩn ngơ vì cử chỉ đó. Trên bờ, đám “tiểu đại gia” hò hét khi đinh ninh rằng công tử Sài thành đã thắng cuộc. Chỉ mình công tử Sài thành hiểu rằng “cái thằng ở rừng” ấy không đơn giản như mình tưởng.

Sau lần đó, mối “thâm thù” giữa hai công tử không còn sâu đậm như trước nữa. Dẫu cái chuyện, “mày vào vũ trường gọi 5 chai rượu, thì tao gọi 10 chai” vẫn thường xuyên xảy ra. Khi đẳng cấp của mình được khẳng định bởi con mộc của trò “mang vàng chọi sóng” đóng dấu, công tử phố núi cũng bớt những trò “lặt vặt” đó. Niềm đam mê của công tử phố núi giờ là người mẫu, đã có lần, cô người mẫu đi cùng với công tử phải bẽn lẽn bởi câu tuyên bố xanh rờn của công tử phố núi: “Người mẫu nổi tiếng của cái thành phố này tao đã xài sạch”…


Báo cáo của Chính phủ nói rằng bình quân thu nhập đầu người chúng ta năm 2010 đã là 1160 USD.Thật to tát,thật vĩ đại.Nhưng cũng có ai đó nói rằng,như bình quân hai người ăn một con gà,thiếu gia xơi hết thịt,5 đứa trẻ này chưa chắc đã được mút xương…Mong ước của Bác Hồ:"...ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành..." sao xa tít mù khơi.

Bill Gates có bao giờ chọi vàng chưa ta?

Đồng tiền không do mồ hôi nước mắt làm ra là đồng tiền nhẹ nhất.
Chẳng lẽ sau mấy mươi năm phấn đấu xây dựng xã hội công bằng,chúng ta đã đang cài lộn số de?

1 nhận xét: